Ở Côn Đảo 3 ngày thì một nửa thời gian là dành cho nghĩa trang và nhà tù
Bảo tàng Côn Đảo, trại Phú Hải, nghĩa trang Hàng Dương, chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ, bãi sọ người, cầu Ma Thiên Lãnh, cầu 914, hầm phân bò… dù chưa phải là tất cả và phương tiện đi lại là ô tô nhưng phải mất 2 buổi thăm quan mới đi hết được.
Đi để biết, để trực tiếp cảm nhận, để thấy dù có đọc bao nhiêu sách báo, xem bao nhiêu phim ảnh, cũng không bằng một lần đặt chân đến Côn Đảo. Lạnh người khi đứng trong phòng giam tập thể, hầm xay lúa tối tăm. Chóng mặt khi đứng trên nóc chuồng cọp bên cạnh thùng vôi bột. Ngột ngạt khi chạm tay vào cánh cửa sắt ở phòng biệt giam, nghe tiếng cửa sắt đập chát chúa – một thời là âm thanh tàn khốc tra tấn tù nhân. Rùng mình khi đứng trước hầm phân bò sâu 3m, chia làm 2 ngăn, có hệ thống cống ngầm từ chuồng nuôi bò dẫn sang, là nơi tra tấn tù nhân rất dã man và bí mật. Gai người khi đi giữa bạt ngàn những ngôi mộ có tên và không tên, không hàng, không lối trải rộng trong nghĩa trang Hàng Dương.
Qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên, còn được biết sự khác nhau giữa hệ thống chuồng cọp Pháp và chuồng cọp Mỹ. Thời Pháp, chuồng cọp được xây dựng kiên cố, bảo vệ ngặt nghèo, là nơi giam cầm và tra tấn tù nhân rất tàn bạo. Nhưng thời Mỹ, chuồng cọp được tổ chức tinh vi hơn hòng che mắt dư luận thế giới. Không có những bức tường bảo vệ kiên cố, lại ẩn mình sau các khu nhà tập thể như nhà bếp, nhà ăn… nhưng chuồng cọp Mỹ không thiếu những đòn roi tra tấn dã man về mặt thể xác, mà còn có cả những đòn tâm lý chiến thâm độc nhằm làm nao núng ý chí và chia rẽ lòng tin, sự đoàn kết giữa các tù nhân.
Đi, để được thử nếm mùi tự do mỗi lần bước chân từ nhà giam ra khoảng sân rộng. Đi, để được ngồi bên bờ giếng cạn – trước đây là giếng nước sâu mà mỗi tháng một lần, tù nhân chỉ được dùng những chiếc gầu thủng để múc nước tắm – nghe niềm vui lan toả giữa các khu trại giam trong ngày giải phóng hoàn toàn hệ thống nhà tù Côn Đảo. Và đi, để thấy một điều kỳ diệu: Trong suốt 17 năm phải chịu cảnh tù đày và lao động khổ sai ở “địa ngục trần gian”, chắc ông cố mình không thể ngờ gần 100 năm sau, các cháu, chắt lại có thể đến đây… thăm quan và nghỉ ngơi
Có người nói không nên đi Côn Đảo vì ở đây nhiều âm khí, khó ngủ. Được cái cả đoàn mình vẫn ăn ngon, ngủ say. Ngày “đi tù”, tối về lại tí tởn đi hát hò, ăn uống đến 12h khuya mới tàn cuộc. Để trên đường về khách sạn cứ trố mắt ra mà nhìn la liệt xe máy, hết xe số đến xe ga lại còn móc thêm cả mũ bảo hiểm, nằm trơ trơ ngoài sân và ngoài… đường trong khi các nhà đã tắt đèn đi ngủ
Côn Đảo hay lắm nhé, dù chưa phát triển nhiều dịch vụ du lịch nên không phù hợp với những người ham vui, nhưng sự yên bình thì có thừa. Yên bình ngay cả lúc đi bộ trên đường phố, dù đường rất bé và người rất vắng, nhưng ngã tư vẫn có đèn giao thông, dù chỉ có 2, 3 chiếc xe máy tham gia giao thông nhưng ai cũng đội mũ bảo hiểm và ai cũng đi/dừng đúng tín hiệu đèn. Yên bình ngay cả khi lao xuống bãi biển công cộng dọc đường Tôn Đức Thắng mà vẫy vùng cả buổi sáng, mà tưởng như trời xanh đấy, cát trắng đấy, nước trong vắt đấy là của riêng mình. Và yên bình cả ở chỗ, ở ngoài đảo mà chẳng bao giờ thiếu điện hay nước ngọt do Côn Đảo có hai hồ nước ngọt lớn và nhà máy điện riêng.

Vả lại, Côn Đảo đâu chỉ có nghĩa trang và nhà tù, Côn Đảo còn có hòn Bảy Cạnh, bãi Đầm Trầu, vịnh Ông Đụng, mũi Cá Mập, đỉnh Tình Yêu… Nhưng vì thời gian eo hẹp, lại đi theo đoàn, nên chỉ tự lang thang ra hồ hoa súng gần cầu An Hải. Nắng trong vắt. Mải ngắm ngắm chụp chụp nên đi nhầm đường. Đi mãi chẳng thấy khách sạn đâu, đến lúc nhìn thấy khỉ dắt díu nhau chạy qua đường vèo vèo mới tá hoả tìm đường quay lại

Bước chân lên máy bay trở về Sài Gòn, với lọ hạt bàng trong ba lô, tự nhủ khi nào có dịp, sẽ quay lại Côn Đảo, sẽ ở lại lâu hơn và khám phá nhiều hơn.
Trước khi ra Hà Nội, còn một ngày ở Sài Gòn, được dành cho Cần Giờ. Đến Cần Giờ được đi thăm đảo khỉ và chiến khu Rừng Sác. Thông thường, theo đúng lịch trình, khách du lịch sẽ đi bộ qua đảo khỉ rồi đi ca nô vào chiến khu Rừng Sác, nhưng đoàn này nghe đồn khỉ ở đây vừa đông vừa láo nên quyết định ra/vào đều đi bằng đường thuỷ. Điểm ấn tượng đầu tiên là người phục vụ tại khu du lịch đều mặc quần áo bộ đội, đi dép cao su, đội mũ tai bèo. Đồng chí lái ca nô thì tay lái lụa, lượn lách một lúc là vào đến nơi.
Chiến khu hiện ra với những chiếc lán được làm bằng thân cây, lợp lá và được nối với nhau bằng “hệ thống giao thông” do thân cây (bê tông) kết lại. Có khu chiếu phim tài liệu cho khách du lịch tìm hiểu về lịch sử chiến khu, có khu trưng bày hình ảnh, hiện vật và vẫn còn đó hầm tránh bom, “bể” hứng nước mưa được làm bằng thân cây và vải nilon, nồi chưng cất nước mặn thành nước ngọt. Ở khu trung tâm là đài tưởng niệm những chiến sỹ đặc công một thời từng là nỗi ám ảnh của quân xâm lược, và có cả bức tượng mô phỏng cuộc chiến đấu giữa một chiến sỹ đặc công với con cá sấu to hơn mình (70% chiến sỹ hy sinh ở đây là do bị cá sấu tấn công).
Đến Rừng Sác, thích nhất là được ngắm những con ba khía, trông như cua đồng, nhưng trên mình rất nhiều màu sắc, trắng, xanh, vàng, đỏ và được chui vào lán, ngồi ghế gỗ, chõng tre thưởng thức món cơm nắm ăn kèm cá bống kho và gỏi lá kìm chua chua ngọt ngọt.

Lúc quay lại bãi đỗ xe mới có nhiều thời gian để ý đến… khỉ. Khỉ gì mà chẳng sợ người gì cả, thấy người là cứ giương mắt lên… ngắm hoặc bơ đi, việc mình mình làm. Trước khi lên xe, còn phải chen nhau với một con khỉ ở cửa xe, mãi mới vào xe được và còn được chứng kiến màn rượt đuổi giữa bầy khỉ với một người vừa bị khỉ cướp điện thoại Cứ cái đà này, vài năm nữa quay lại, khéo toàn thấy khỉ vắt vẻo trên cây, mỗi con một cái điện thoại di động nhắn tin, gọi nhau nhoay nhoáy ý chứ

Rời đảo khỉ và chiến khu Rừng Sác, cả đoàn đến quán Duyên Hải (chẳng biết nằm trên đường nào) nhậu nhẹt đến 3h chiều mới lên đường về Sài Gòn. Bữa nhậu có hai món đặc biệt là cơm nắm ăn kèm khô cá dứa rim mặn và tiết canh sò huyết kiểu Thái. Lần đầu tiên được ăn sò huyết kiểu này. Tiết sò huyết được cho vào một bát riêng, thân sò huyết nướng lên rồi trộn với lạc, rau thơm thái nhỏ, mù tạt, nước mắm chua ngọt; đến khi ăn mới đổ tiết lên và ăn kèm với bánh đa. Thơm ngon tuyệt vời luôn, nhưng món này rất đầy bụng nên dù thích đến mấy cũng không ăn tham được
Trên đường về còn tạt vào bên đường mua dừa nước. Loại dừa này có nhiều múi, bên trong không có nước, tách cùi dừa ăn với chè thập cẩm vừa thơm lại vừa bùi

Đã định lười không kể lể vụ nghỉ hè rồi, nhưng nghĩ lại thấy tiếc
Haiz, vậy là khép lại mùa hè lịch sử – lịch sử thì ít mà ăn chơi thì nhiều. Nhưng cũng đáng nhớ đấy nhỉ, vì vừa được đi nhiều, lại còn được ăn nhiều món lạ!