Bái Đính – Tràng An


Vốn không biết đi lễ nên không quan tâm lắm đến chùa. Mà có đến chùa thì cũng chỉ làm chân khuân vác, trông đồ cho người đi lễ là cùng Vậy mà đầu năm, tình cờ xem trên ti vi thấy quay cảnh chùa Bái Đính đẹp quá nên cũng thắc thỏm muốn đến một lần xem thế nào. Cuối cùng cũng được toại nguyện nhờ chương trình du xuân của công ty.

Ấn tượng đầu tiên về chùa Bái Đính là nó không rộng lớn như mình tưởng tượng và trông giống một trường quay hơn là một ngôi chùa. Bước chân qua cổng Tam Quan, nhớ lời dặn trên xe của hướng dẫn viên, liền rẽ phải, theo dòng người đi dọc hành lang La Hán. Cảnh tượng thường thấy nhất trong chặng đường đầu tiên là rất nhiều người  xoa tay vào tượng rồi lại vuốt lên mặt mình để cầu may làm cho các pho tượng dù còn rất mới đã có những chỗ sáng bóng lên (tượng đồng) hoặc đen nhánh (tượng đá), nhất là những chỗ dễ chạm đến như bàn chân, bàn tay, đầu gối. Tự nhủ, may thì không biết nhưng chắc là mặt của những người này… bẩn lắm!

Ui, ảnh đâu rồi?
Tượng La Hán

Lúc đi, chưa nạp được nhiều thông tin về Bái Đính nên cứ đi lung tung, chẳng theo thứ tự trên dưới, trước sau gì cả Đến lúc về rồi mới biết, các công trình trong khuôn viên chùa đều được bố trí theo trật tự nhất định dựa trên quy luật của Phật giáo. Đầu tiên là cổng Tam Quan, được canh gác bởi hai thần hộ pháp là Ông Thiện và Ông Ác. Tiếp theo đến tháp chuông treo đại hồng chung nặng 36 tấn. Sau đó đến điện Quan Thế Âm thờ Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt. Lên cao hơn là điện Pháp Chủ thờ Phật Thích Ca, rồi đến điện Tam Thế thờ Tam Thế Phật gồm bộ ba tượng Phật tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Từ điện Tam Thế, nhìn chếch lên bên phải là tượng Phật Di Lặc. Dọc hai bên khuôn viên chùa là hành lang La Hán, nối liền từ cổng Tam Quan đến tận điện Pháp Chủ, là nơi trưng bày 500 pho tượng La Hán được tạc bằng đá nguyên khối, mỗi vị một dáng vẻ, tượng trưng cho sự sống nơi trần thế.

Ui, ảnh đâu rồi?
Phật Thích Ca

Mình thì leo một mạch từ cổng Tam Quan lên tận điện Tam Thế, ngắm tượng Phật Di Lặc từ xa, rồi lại leo xuống, ghé vào điện Pháp Chủ. Đến đây thì công nhận một điều là chùa Bái Đính có nhiều tượng Phật, và tượng nào cũng to, nhưng không hiểu vì sao chỗ thì thờ ba tượng, chỗ lại chỉ có một tượng Xuống đến điện Quan Thế Âm thì không thèm vào vì chẳng biết cái nhà đấy là cái nhà gì, chắc cũng giống như hai cái nhà vừa xem, và dĩ nhiên, không hề biết trong đó có pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt

Đi qua tháp chuông thì không vào vì đông quá, chỉ thắc mắc một điều là tại sao tháp chuông ở đây mà chuông thì lại để ngoài trời, chắc là chưa xây tháp xong Hóa ra chùa Bái Đính có hai quả chuông khác nhau, một là đại hồng chung nặng 36 tấn được treo trong tháp chuông, một quả chuông khác nặng 27 tấn được đặt trước sân điện Pháp Chủ (không rõ vì còn một tháp chuông nữa chưa xây xong hay do quy định của Phật giáo phải đặt quả chuông ở vị trí như thế )

Ui, ảnh đâu rồi?
Quả chuông đặt trước sân điện Pháp Chủ

Khi bước chân qua cổng Tam Quan, rẽ vào hành lang La Hán, đã định bụng sẽ đếm xem có đủ 500 vị hay không mà quên biến đi mất Chỉ chăm chăm tìm tượng của một vị La Hán đã được xem qua ảnh, với gương mặt hiền hậu và dáng vẻ như đang nhảy múa, cuối cùng cũng tìm được. Ở đây, mỗi vị La Hán đều có tên riêng được khắc trước bệ đá dưới chân tượng. Đọc tên thì chẳng hiểu gì nên mình chỉ biết phân biệt qua nét mặt và điệu bộ. Rất thích những vị La Hán có nét mặt cười hoặc đang nhảy múa, và rất sợ những vị La Hán có dáng vẻ kỳ dị kiểu như trên đỉnh đầu lại mọc thêm một cái đầu nhỏ nữa, hoặc một tai là tai người nhưng tai còn lại thì chẳng biết là tai gì

Ui, ảnh đâu rồi?
“Thần tượng” của mình đây 😀

Đọc các bài giới thiệu về chùa Bái Đính thường thấy nhiều thông tin về những pho tượng Phật ngự trong điện với nhiều kỷ lục này nọ, nhưng mình thì lại thích tượng Phật Di Lặc phía trên đỉnh đồi cạnh điện Tam Thế. Dù chỉ nhìn từ xa nhưng cũng thấy rõ nét mặt vui tươi, phúc hậu, tay nải trên vai, chiếc quạt phe phẩy trên tay và cái bụng phệ, trông rất lạc quan, yêu đời

Ui, ảnh đâu rồi?
Phật Di Lặc

Khi xe ô tô rời khu vực chùa Bái Đính quay ra khu du lịch sinh thái Tràng An, nhìn ngược lại sẽ thấy được toàn cảnh chùa Bái Đính với kiến trúc bậc thang trên địa hình dốc rất đẹp. Tiếc là đã trót cất máy ảnh đi rồi nên không kịp chụp.

Trước khi đến Tràng An được nghỉ trưa tại nhà hàng Hoàng Long Giang. Giống như các nhà hàng đã nhìn thấy trên đường vào chùa Bái Đính, ở đây có đặc sản thịt dê núi và cơm cháy. Tuy các món đều được chế biến sẵn chứ không để thực khách “tự xử” như ở Hà Nội, nhưng nhìn chung mình thấy ăn uống ở đây cũng được, nhất là so với thực đơn dành cho khách đoàn. Mỗi tội ngoài thịt dê và cơm cháy, còn có một món đặc sản khác là… ruồi. Chẳng biết chỗ ăn ngoài sân thế nào nhưng trong nhà thì ruồi nhiều vô kể, con bay, con đậu, con nằm lăn quay trên bàn, ghế, khung cửa sổ và có cả con đã chết bẹp dí còn bám trên thành cốc Được cái nhà hàng ở cạnh sông, sân rộng nên không khí thoáng đãng. Ăn xong, ra dãy bàn ghế kê bên bờ sông, làm cốc nước chè xanh tráng miệng là lại đủ sức lên đường.

Bến đò đã hiện ra trước mắt, vé đã cầm trên tay, í ới gọi nhau cho đủ đội hình bốn người trên một đò rồi hăm hở xuống bến. Nhưng xuống đến nơi, trước mắt là một cuộc hỗn chiến để tranh giành đò. Khách thì “đò ơi!” đến khản cả cổ mà đò thì cứ lơ đi. Hễ có chiếc đò nào cập bến trả khách chuyến trước là lập tức có người từ trên bờ nhảy xuống chiếm chỗ. Có đội (không phải nhà mình) giằng co chán chê lại bị nhà đò đuổi lên bờ vì chưa mua vé hoặc vì thiếu người. Rõ ràng trên xe hướng dẫn viên đã dặn bốn người một đò nhưng nhà đò lại đòi phải đủ năm người mới chịu chở. Vừa nản, vừa mệt, cuối cùng nhờ chiêu vẫy đò bằng vé kẹp tiền (tiền bồi dưỡng riêng cho nhà đò) mới được một nhà đò vào đón. Ấy thế mà đò vừa cập bờ đã có bốn cô tranh nhau nhảy xuống, trên mặt cô nào cũng treo một chữ KỆ to đùng. Đang không biết làm thế nào thì may quá bốn cô đó bị đuổi lên vì thiếu người, và dĩ nhiên là thiếu cả thứ cần kẹp theo vé nữa

Vì chỗ ngồi chỉ đủ cho bốn khách nên mình leo tót lên mũi đò, vừa được ngồi khoanh chân, vừa dễ nhìn ngó, lại vừa dễ chụp ảnh Tuy xuất phát gần cuối cùng, nhưng đò của mình vẫn bắt kịp đoàn vì sau 2km sông rộng ở phía ngoài, một khi đã len vào trong núi là các đò phải nối đuôi nhau đi thành hàng một, có muốn “phóng nhanh vượt ẩu” cũng không được vì sẽ bị tắc đường ở những hang hẹp và bị các đò đi trước “phê bình”

Ui, ảnh đâu rồi?
Chỗ ngồi lý tưởng

Chẳng nhớ chính xác đã chui qua bao nhiêu cái hang, cũng chẳng nhớ nổi tên hang, mà chủ yếu phân biệt qua độ dài ngắn, rộng hẹp, cao thấp. Có hang dài hun hút, đi mãi không hết. Có hang vừa chui vào đã nhìn thấy cửa hang bên kia. Có hang quanh co, khúc khuỷu. Lại có hang vòm thấp, ngồi phía trước chỉ sợ bị cộc đầu

Lọ mọ trên internet, thấy bảo khu vực này ngày xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình biến đổi địa chất lâu dài mới trở thành “Hạ Long trên cạn” như ngày nay, và căn cứ vào dấu vết những ngấn nước biển còn hằn sâu trên nhiều vách hang thì tính ra, chúng có tuổi đời tương đương 32 triệu năm

Phong Nha thì chưa đi, nhưng so với Hạ Long, mình thấy các nhũ đá trong hang động ở Tràng An tuy cũng có nhưng không nhiều và đẹp bằng. Mình thích là thích những hình thù biến đổi của cửa hang khi đi từ hang này sang hang khác, nhất là lúc từ trong hang nhìn ra khoảng sáng bên ngoài. Mình còn thích cái cảm giác thảnh thơi, thoải mái ngồi trên con đò chầm chậm trôi, chẳng buồn tính đến thời gian. Thích cái không khí mát lành, nắng thanh, gió nhẹ, nước trong vắt ngay cả khi khua chèo cũng không bị đục lên tí nào. Trên mỗi đò đều có một mái chèo phụ, bé như cái đòn gánh. Mình cũng ti toe chèo đò trong khi tay vẫn cầm máy ảnh, làm em máy ảnh bị xước mất một ít, tí nữa thì vào màn hình

Ui, ảnh đâu rồi?
Cửa hang

Trên hành trình thăm quan, còn có một số đền thờ trên núi nhưng nhóm mình không vào nên chỉ mất  hơn hai tiếng đồng hồ là về đến bến. Các nhóm khác lên núi lễ đền thì phải hơn ba tiếng mới về đến nơi. Hết trọn một buổi chiều

Dù có đôi chút thất vọng về sự đông đúc quá tải của khách thăm quan và các dịch vụ tự phát (bán hàng rong, chụp ảnh lấy ngay, viết sớ…) trong chùa Bái Đính và sự lộn xộn trên bến đò, sự can thiệp quá tay của con người vào thiên nhiên để tạo nên khu du lịch sinh thái Tràng An (tháo nước sông làm ngập ruộng, đục đẽo, cải tạo hang tự nhiên để mở đường cho đò du lịch qua lại…), mình vẫn thấy muốn quay lại đây ít nhất một lần nữa Khi các hạng mục công trình đã hoàn thành, không còn cảnh xe tải chở đất đá chạy ầm ầm trong chùa, khi cây xanh đã tốt tươi, nên hàng nên lối, khi công tác tổ chức, hướng dẫn khách thăm quan đã hoàn thiện, Bái Đính – Tràng An chắc chắn sẽ rất đẹp và còn thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa!

Photo: