(Đẹp tháng 10/2010 | Chu Minh Vũ)
Thảo Trang vừa phát hành album “The new me” như lời khẳng định một bản thể âm nhạc mới mẻ. Xin mượn tạm ý tưởng này để gọi tên một niềm vui nho nhỏ khi thị trường đã thấy những gương mặt tươi mới xuất hiện.
Tất nhiên, không nói đến những gương mặt mới hàng ngày xuất hiện đâu đó trên các diễn đàn âm nhạc, các báo mạng, các cuộc thi tuyển lựa ca sĩ trải dài suốt năm. Đó vẫn chỉ là những cuộc sàng lọc đầu tiên cho thị trường âm nhạc chung mà thôi, chưa phải là một điều gì quá đáng kể… Những gương mặt mới có thể ngày hôm qua cũng còn cũ lắm – trong một bóng dáng của ai đó đã thành danh, hoặc còn đang chập chững đi trên lối mòn của sự sáng tạo… Ngày hôm nay họ mới vì những cách họ làm âm nhạc với lối suy nghĩ mới. Với nghề hát, chí ít là phải chờ một album nhạc ra đời mới có thể phán xét được chân dung đầu tiên của ca sĩ. Khó có thể chờ đợi được gì ở một ca sĩ ảo của cộng đồng mạng, với vài bài hit được tung hô hoặc bất ngờ thành công ở một cuộc thi nào đó.
Thảo Trang chính là một ví dụ. Bước thấp bước cao vào nghề hát, bươn chải đủ thứ nhạc từ teen Việt Nam cho đến nhạc Tây hát lại. Được chú ý từ Việt Nam Idol nhưng cũng chẳng dễ dàng bước vào nghề âm nhạc. Album đầu tay làm cho có, không định vị được giọng hát ấy phải đứng ở góc nhỏ nào. Dàn trải, dễ dãi và thiếu cá tính để bộc lộ sự khác biệt của ca sĩ trong ê hề những người hát mới.
Cùng lứa Việt Nam Idol với Thảo Trang, Á quân Ngọc Ánh cũng đã dồn sức tung một album gồm những bản nhạc trữ tình trước năm 1975 và một album đối chọi hoàn toàn mang đậm chất rock. Chịu chơi đến mức liều lĩnh nhưng sau 2 năm, số phận của chàng trai Ngọc Ánh cũng như 2 album đầu tay kia thế nào đã rõ… Tính đến thời điểm này, lứa “thần tượng” đầu tiên chỉ còn trụ lại được Phương Vy (được MFaces đào tạo bài bản, có gu và nắm được thị phần tương đối cao cấp, chuyên hát event), Trà My (lên rất nhanh nhờ nguồn tài chính của Hà Dũng, nhưng ngược lại, xuống cũng không phanh khi mất đi “bầu sữa” này) và Thảo Trang. Lẽ ra Thảo Trang cũng sẽ biến mất giống Ngọc Ánh mà thôi, nhưng may mắn, 3 năm im ắng chờ thời của Trang đã có kết quả mỹ mãn. Thay vì tiếp tục lao vào vòng xoáy kiếm tiền, kiếm bài hát của showbiz, cô gái này bỏ hẳn ý định làm việc như album đầu, chỉ chuyên tâm vào việc định hình giọng hát và phong cách tại… tụ điểm âm nhạc. Trang hát nhạc quốc tế, thiên nhiều về chất rock hoặc dance sôi động như một số ca sĩ underground của Sài Gòn.
Thời cơ đến khi Trang gặp được Phan Công Thành – khi anh doanh nhân này có trong tay một cơ đồ mạnh về truyền thông. Công Thành quyết định ký hợp đồng và cùng Dương Khắc Linh xây dựng lại Thảo Trang từ đầu bằng những tố chất ít người có của Trang – đó là không chỉ hát cho người Việt. “The new me” ra đời, nửa Anh nửa Việt, tức là sẽ có cả người nước ngoài và người Việt chấp nhận được cô. Khác với nhiều ca sĩ đi trước, hát một vài bài Anh ngữ để thể hiện hoặc giới thiệu mình, thì trường hợp của Trang là khác bởi Trang đã có sẵn một lượng người nghe từ giai đoạn nằm mình tại các quán bar, tụ điểm ca nhạc. Bây giờ là giai đoạn mới, bài hát độc quyền, hòa âm phối khí và xây dựng đúng mô hình ngôi sao quốc tế đương đại… là thắng. Thị trường quốc tế sẽ không mặn mà nếu như ca sĩ ta cũng chỉ đi cover lại các bài hit quốc tế, mà phải là hát bài riêng của chính ca sĩ đó.
“The new me” là sản phầm của ba người: Phan Công Thành – Thảo Trang – Dương Khắc Linh, đẩy ca sĩ đi vào trào lưu không mới ở nước ngoài nhưng vẫn là thời thượng ở Việt Nam: dance – urban pop… Đây đúng là thứ mà Việt Nam đang thiếu và trước đó, Dương Khắc Linh đã thử làm với “My apology” của Hồ Ngọc Hà, cực kỳ thành công ngay cả tại Hàn Quốc – nơi đang tràn ngập xu hướng này. Thảo Trang quá may mắn bởi có lẽ nếu muộn hơn, khi Hồ Ngọc Hà quay trở lại với phong cách này, thêm một vài ca sĩ khác cũng đến với nó thì Trang sẽ không có cửa để cạnh tranh cả về thanh và sắc. Còn bây giờ, dường như cô đã là người đầu tiên có đĩa bày bán và mở nhạc đều đặn ở chuỗi cà phê Highland – nơi quen thuộc của nhóm khán giả thị dân cao cấp, điều này đồng nghĩa với việc cô đã xâm nhập được vào nhóm đối tượng này để có thể lan sang các thương hiệu cao cấp khác (Highland là đối tác cùng phát hành album “The new me”).
Sau Thảo Trang, công ty Early Riser tiếp tục tung ra sản phẩm thứ hai là Thanh Bùi – ca sĩ gốc VIệt trưởng thành tại Úc, tiếp tục nối dài sản phẩm cho nhóm khán giả như đã nói phía trên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Thanh Bùi vẫn chưa hoàn thiện được khả năng hát tiếng Việt để có thể chinh phục được đối tượng người Việt. Tham vọng của Thanh thì nhiều, muốn vươn tầm quốc tế nhưng nếu như chọn cách đi vào nội địa, thì trước hết anh phải thành công được tại đây. Mà điều này thì tương đối khó khăn đối với anh, từ tiếng Việt cho đến hình thức. Tháng 11, album “Cock-tail” của Hà Anh Tuấn và “Unmakeup” của Đoan Trang ra mắt sẽ là những đối trọng rất lớn của Thảo Trang và Thanh Bùi.
Hà Anh Tuấn thì rõ là ngôi sao đương thời, lại có khả năng và thẩm mỹ tốt… thậm chí album “Cock-tail” cũng do Dương Khắc Linh là nhà sản xuất. Phần thắng của Tuấn tại Việt Nam so với Thanh Bùi là đương nhiên, trong khi ấy, đầu ra tại thị trường Hàn Quốc của Tuấn đã được dọn chỗ sẵn sàng. Còn Đoan Trang, sự mới mẻ đầy hy vọng lại dồn vào phía nhà sản xuất Vincent Nguyễn (Nguyễn Công Phương Nam). Những tác phẩm hit quen thuộc của Trang được hòa âm lại hoàn toàn rất tinh tế theo các phong cách âm nhạc chuẩn mực, đặc biệt là smooth jazz – gần với tố chất của ca sĩ. Album này được hát bằng lời Anh ngữ (vừa tái sinh bài hát với người Việt, vừa mở rộng người nghe ngoại quốc). Hơn nữa, với chất lượng album rất cao về kỹ thuật thu âm cũng như chất lượng các bản hòa âm, nhạc công rất có thể sẽ trở thành một đỉnh cao mà chính Đoan Trang cũng sẽ khó lặp lại được.
Hai trường hợp khác, Lê Cát Trọng Lý và Anh Khang lại điển hình cho một lối đi khác. Sự thuần Việt trên nền tảng âm nhạc hiện đại để bộc lộ cá tính riêng, cho dù cả hai đều đang ở những điểm khởi đầu. Lê Cát Trọng Lý không còn phải nói nhiều, cô gái ấy nhiều cá tính và năng lượng sáng tạo, được đánh giá cao bởi hình ảnh singer/writer điển hình. Điều Lý mang đến là âm nhạc, giản dị nhưng mang hơi hướng dân ca rõ ràng. Album riêng sắp phát hành, ngoài một số lượng rất lớn người nghe Việt đang chờ đợi từng ngày còn có rất nhiều những trung tâm phát triển và giao lưu văn hóa trông ngóng bởi Lý giống như một sứ giả – một trường hợp có nhiều thứ để nói, để biểu diễn và khoe với quốc tế.
Còn với Anh Khang – ngôi sao nhạc mạng một thời với bài hit “Đi học” và “Bèo dạt mây trôi” cũng đã chính thức đầu quân về với công ty MFaces và trình làng debut album “Ai còn chờ ai”. Nhạc sĩ Đức Trí đã thổ lộ: “Tôi chưa từng lấy tên mình ra bảo kê và khen ngợi cho ca sĩ nào – kể cả ca sĩ trong công ty, nhưng Anh Khang là trường hợp ngoại lệ. Cậu ta là một tài năng”. Khang cũng giống như Lý, có tố chất âm nhạc dân gian. Khang có hậu thuẫn công ty tốt hơn, nên ngoài việc xây dựng hình ảnh chơi nhạc cụ và hát mộc (với cả piano và guitar) lại có thêm một dàn những nhạc sĩ xuất sắc như Đức Trí, Laurent, Dũng Dalat, Hoàng Anh… để tung ra các bản thu âm hiện đại. Cách làm của Khang là ẩn dân gian Việt vào trong giọng hát và tác phẩm, với chiếc áo bên ngoài là nhạc hiện đại của R&B. Anh Khang thần tượng Jay Chou – ngôi sao số 1 của nhạc pop châu Á và lối đi cậu ta chọn cũng không khác nhiều so với hình tượng xuất sắc này.
Tại Hà Nội, một giọng ca 19 tuổi đang được hai nhạc sĩ Lê Minh Sơn và Đặng Hữu Phúc o bế, đó là Hoàng Quyên. Sẽ rất lạ nếu như nhìn thấy Quyên ở Lê Minh Sơn nặng màu dân gian kiểu Tùng Dương, nhưng sang nhạc Đặng Hữu Phúc lại là chất cổ điển chuẩn mực. Cả hai nhạc sĩ đều mời cô ca sĩ nhỏ này là “khám phá mới” trong các album của mình. Nhưng cái mới của chính Quyên, e rằng chưa mới với thị trường. Có thể Quyên là một giọng ca tốt, nhưng cái đáng chờ đợi là cá tính của riêng cô khi cô có thể dám lắc đầu trước 1 trong 2 sự đối lập: Lê Minh Sơn hay Đặng Hữu Phúc.
Một số tiếng nói của dư luận đang than gào rằng “thừa cuộc thi, khủng hoảng tài năng”… Xin thưa, tài năng không dễ đâu mà có cả. Cứ nhiều cuộc thi nữa vào, cứ trầy trật ở các cuộc thi nữa đi… Tất cả các trường hợp điển hình phía trên hầu như đều trưởng thành ra từ các cuộc thi cả và hầu như chưa ai đạt đến giải cao của từng cuộc thi hết. Nhưng, sự va chạm sẽ khiến họ trưởng thành. Và chỉ có thị trường mới là một cuộc đua khắc nghiệt nhất dành cho những người trường sức. Tài năng không nên tỏa sáng như que diêm, trong một thời điểm xuất thần của cuộc thi. Tài năng nên là kẻ biết lượng sức mình, đưa ra những gì tối ưu, sáng tạo và hoàn hảo nhất đúng vào lúc chúng ta khuyết đi một phong cách nào đó để lấp đầy chúng. Đừng cố gắng trở thành ngôi sao của cuộc thi ca nhạc, hãy gọt mài mình để thành ngôi sao của những người nghe nhạc chúng tôi lâu dài.