Sa Pa 2010


Lần đầu tiên đến Sa Pa là năm 2008. Hai năm sau quay lại, thấy Sa Pa phát triển vượt bậc về số lượng… hàng quán và người bán hàng rong

Năm 2008 đến đây chưa thấy khu chợ ẩm thực. Khu vực sân cỏ phía trước Nhà thờ đá cũng chưa có người bán hàng, chủ yếu là ngồi trên vỉa hè bao quanh sân cỏ thôi. Khi đi chơi ở phố Cầu Mây hay xuống Bãi đá cổ cũng có người bán hàng rong đi theo, nhưng không đông và kèo nhèo như bây giờ. Thành ra dù lắm lúc thấy họ cũng tồi tội, nhưng mình lại có phản ứng rất tiêu cực là không cho ai đồng nào và cũng không mua của ai bất cứ thứ gì

Điểm thích nhất ở Sa Pa lần này là các quán nướng rất nhiều. Tập trung chủ yếu ở đường Fansipan – đoạn trước cửa khách sạn Mùa Xuân dẫn ra phố Cầu Mây và đoạn đường cạnh Nhà thờ – trước cửa khách sạn Công Đoàn. Cứ tối đến là đèn đóm lung linh, đi từ xa là cứ muốn sà vào xem có những thứ gì. Có ăn một bữa tráng miệng ở đây thì thấy đủ cả: gà đen nướng nguyên con, cánh gà, chân gà, chim (gì chẳng biết), cá viên, thịt bò cuốn lá (gì chẳng biết), cơm lam, ngô, khoai, hạt dẻ. Nói chung là rất phong phú nhưng mình chỉ xài cơm lam, ngô, khoai nướng, thịt xiên thôi, các món khác vẫn thích ăn trong nhà hàng hơn vì cảm giác an toàn hơn

Hạt dẻ, ngô, khoai, trứng, cơm lam nướng

Phố nướng

Nhà hàng lần này có quay lại Xưa & Nay trên phố Cầu Mây. Đây là quán lần trước được anh chủ khách sạn “dẫn mối”. Quán có khoảng ban công nho nhỏ, có thể vừa ngồi ăn vừa ngắm đường phố. Nhưng đồ ăn thì không ngon bằng Cha Pa, ở cuối phố Cầu Mây. Thích món cá suối rán giòn, rau cải mèo luộc, và gà đen nướng (trên chảo gang). Bữa ăn lẩu cá hồi và thịt nai nướng thì vào nhà hàng Hải Yến trên đường Thạch Sơn. Đọc trên mạng thấy bà con chê quán này đắt và phục vụ không tốt nhưng mình lại thấy được, chỉ mỗi tội ngồi trên tầng 2, ngay giữa gian nên khi nhân viên chạy qua chạy lại là cả người và lẩu dập dình như đang đi tàu. Thích món thịt nai nướng (trên chảo gang) còn món lẩu cá hồi thì không hiểu sao không thấy hấp dẫn như 2 năm trước.

Cá hồi năm nay thấy anh lái xe bảo bị khách du lịch nội địa vét sạch nên ít và đắt hơn mọi năm. Giá chung là 400K/nồi lẩu hoặc 700K/2 món bao gồm lẩu & nướng hoặc lẩu & gỏi. Riêng cái món cháo cá hồi ăn sáng ở khu chợ ẩm thực thì thấy không ngon, chẳng biết là do cách nấu, do gạo hay do cá Ngoài cá hồi còn có cá tầm, nhưng chưa ăn nên chẳng biết thế nào.

Về phòng nghỉ thì lần này đặt phòng ở khách sạn Sapa Village vì có phòng cho 4 người (2 giường 1m2, 1 giường 1m5). Thực tế phòng không được tươm tất như trong ảnh trên website nhưng được cái hôm đến được check in sớm free, diện tích phòng rộng và có bình nóng lạnh chạy điện. Thích phòng ở khách sạn Thái Bình dưới chân núi Hàm Rồng hơn vì bài trí đẹp, phòng thoáng và ấm cúng nhưng không có phòng lớn, bình nóng lạnh thì chạy ga nên cứ phập phà phập phùng, ghê chết đi được. Không biết bây giờ đã thay chưa! Nhưng nói chung ở Sapa Village cũng được, tiện đi lại, lại nằm trên con phố Fansipan rất xinh xắn. Trên con phố này ngoài Sapa Village còn nhiều khách sạn khác như Sapa Rooms, Sapa Boutique, Emotion, Cat Cat View… Buổi sáng có rất nhiều người dân tộc đi chợ qua đây. Buổi tối đi chơi về là được đi trong mây, thích cực, nhưng buốt.

Thung lũng Mường Hoa – Nhìn từ Sapa Village

Chụp ké Sapa Boutique

Phố Fansipan

Trước cửa Emotion. Zoom xa lắm nhưng bị phát hiện nên người mẫu ngoảnh mặt đi hết!

Đi chơi thì miên man. Cũng không đi chỗ nào mới nhưng chia ra mỗi buổi đi một ít, rồi lại về khách sạn ngủ lấy sức… đi chơi tiếp. Ngày đầu buổi sáng đi Thác Bạc – Cổng Trời, buổi chiều đi Lao Chải – Tả Van – Cầu Mây – Bãi đá cổ. Hôm sau buổi sáng đi leo núi Hàm Rồng, buổi chiều về Lào Cai sang Hà Khẩu. Buồn cười nhất là lên Cổng Trời. Nghe tên cứ tưởng chỉ có ta giữa núi đá, mây trời, thế mà có cả quán nước, gạch đá lổn nhổn và nhất là dây điện. Cảnh thì đẹp mà cứ giơ máy ảnh lên là dính dây điện, mất hết cả hoang sơ. Đẹp nhất là quãng đường Lao Chải – Tả Van vì núi non hùng vĩ và rất nhiều ruộng bậc thang. Đấy là cưỡi ô tô xem ruộng bậc thang, chứ trekking xuyên bản chắc còn đẹp nữa

Thác Bạc

Cổng Trời

Cầu Mây bằng… sắt

Nhìn từ Bãi đá cổ

Bản Tả Van

Lần này đi chơi hóa ra sang Hà Khẩu lại có nhiều thú vị. Làm giấy thông hành mất 120K/người (2 năm trước mình phải làm mất 150K/người), nếu tự làm tại Lào Cai thì chỉ mất 80K/người, nhưng lên Sapa làm qua khách sạn cũng được, đỡ cập rập. Vụ xe điện thăm quan bên Hà Khẩu, anh chủ khách sạn có gợi ý nếu muốn thuê xe điện thì nên đặt qua khách sạn, không rẻ hơn nhưng đảm bảo hơn, không sợ bị chặt chém. Còn đang lưỡng lự không biết ý mọi người thế nào, định về hỏi lại rồi trả lời sau, mới chỉ kịp mở mồm “Nếu…”  thì anh ta buông ngay một câu “Đừng có nếu!”. Hơ hơ, đã thế thì “em tự”, chả cần.

Rốt cuộc là hơn 2 tiếng vung vinh đi bộ bên Hà Khẩu, chẳng cần hướng dẫn viên đi cùng luôn, thích chỗ nào rẽ vào chỗ ấy. Ngoài các cửa hàng quần áo, đồ chơi, quà tặng, có cửa hàng 2 tệ (xấp xỉ 6K/món) mình thấy cũng hay. Nói chung thú shopping chẳng liên quan dính dáng gì đến mình nên không dám bình luận, nhưng với những người khéo chọn đồ thì mình nghĩ cũng không phải là không có gì để mua. Phục nhất là tài mặc cả của CB. Cứ nhỏ nhẻ, thủ thỉ phát cái giá thấp tẹt tèn ten mà mình chẳng bao giờ ngờ tới, ấy thế mà chẳng mấy khi không mua được món đồ đã chọn Đến lúc lượn lờ chán rồi, quay lại quê nhà thì bao trọn chuyến 1 xe điện chở 4 người đi từ cửa khẩu về ga hết 50K. Ngon nghẻ!

Đi Sa Pa thì hồi hộp nhất là vụ mua vé tàu. Cũng như lần trước, cách ngày đi 3 tuần, khách lẻ không mua được vé nhưng khách sạn thì vẫn mua được. “Đối tác” tàu của Sapa Village là King Express. So với Livitrans lần trước mình đi thì giá rẻ hơn khoảng 20-30K/vé, hướng dẫn kẹp vé chi tiết, rõ ràng nhưng toilet của Livitrans sạch sẽ và bố trí hợp lý hơn. Livitrans còn có một lợi thế là địa điểm kẹp vé ngay trong ga, nên rất dễ tìm.

Nói đến vụ kẹp vé, vẫn thấy bực đồng chí chủ khách sạn. Vé khứ hồi có thể mua ngay từ Hà Nội và có thể lấy sớm dưới dạng voucher của toa tàu du lịch cấp cho khách hàng (khách sạn đặt vé). Nhưng để có giá trị lên tàu thì cần phải đổi hoặc kẹp vé của Đường sắt VN, mà vé này thì không bán trước, đến sát ngày mới có. Vé đi từ Hà Nội đổi tại Hà Nội, vé đi từ Lào Cai đổi tại Lào Cai. Đến ngày khởi hành, khách đi tàu chỉ cần đến sớm trước giờ tàu chạy 1 tiếng đồng hồ và ra quầy của toa du lịch để đổi voucher lấy vé hoặc ghim vé trực tiếp lên voucher.

Quy trình là thế, nhưng vấn đề là đồng chí chủ khách sạn, lúc đặt vé thì nói đầu tháng có thể lấy vé. Đến đầu tháng hỏi thì bảo trước khi đi 1 ngày lấy vé là được, không cần lấy sớm. Đến trước khi đi 1 ngày gọi điện hỏi thì bảo nếu muốn lấy vé trước thì lấy luôn cũng được, không thì để hôm sau ra ga lấy vé. Thật ra vì đi xa nên mình cũng muốn thông tin được chắc chắn, nếu có gì sai sót còn kịp chỉnh sửa. Do đó, nếu chưa có vé của đường sắt thì cầm trước voucher của King Express cũng thấy yên tâm hơn. Nhưng có vẻ đồng chí chủ khách sạn không hiểu tâm lý đó, rốt cuộc trước khi đi 1 ngày, mình tự đến văn phòng của King Express lấy voucher và được hướng dẫn cách đổi vé tại Hà Nội và Lào Cai.

Đến lúc về, đồng chí chủ khách sạn bảo nếu ăn tối luôn tại nhà hàng gửi đồ trước khi sang Hà Khẩu thì bảo họ lấy vé luôn cho, trong khi trước đó hứa hẹn là “bên em sẽ chịu trách nhiệm kẹp vé cho chị ở Lào Cai”. Đến chiều từ Hà Khẩu về đến Lào Cai, thấy thái độ của chủ nhà hàng không được hợp tác lắm đối với một số đoàn khách nước ngoài, thế là quyết định tự lấy vé. Vì trên voucher của King Express cấp đã hướng dẫn rất rõ thời gian (1 tiếng trước giờ tàu chạy), địa điểm (khách sạn Thiên Hải – một khách sạn rất lớn, ngay cạnh ga Lào Cai) nên chẳng gặp khó khăn gì. 19h vẫn lên tàu đàng hoàng

Dù có một số chuyện không được vừa lòng và khiến mình thoáng nghĩ mình không có duyên với Sa Pa nhưng oánh giá một cách tổng thể thì đây cũng là một chuyến đi vui vẻ, suôn sẻ. Tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm để lại… đi, đi và đi