Nhạc sĩ Nguyên Lê: Tôi muốn làm thứ âm nhạc chưa hề có trên đời


[Phụ Nữ Online | Quỳnh Hương]

Nguyên Lê là một tên tuổi đẳng cấp thế giới của dòng nhạc world music hiện đại, ông đã làm nhạc jazz thể nghiệm theo cách dị biệt: tổ chức âm nhạc trên chất liệu truyền thống của các vùng miền từ Trung Đông, Caribê, Đông Âu, Bắc Phi.

Trong những chuyến viễn du bằng âm nhạc đến “tận cùng của thế giới” như thế, Nguyên Lê đã nhiều lần dắt người nghe khám phá tinh thần Việt Nam qua những điệu thức dân ca được hồi sinh trong không gian nhạc jazz và world music.

Năm 1996, Nguyên Lê làm CD đầu tiên với chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam: Tales from Việt Nam (Những câu chuyện từ Việt Nam) – ca sĩ Hương Thanh hát những bài dân ca Việt trên không gian nhạc jazz thể nghiệm. CD này đã giành nhiều giải thưởng danh giá do các tạp chí chuyên về âm nhạc của thế giới bình chọn. Lọt vào Việt Nam qua con đường băng đĩa… lậu, Tales from Việt Nam gây nên một “cơn sốt” cuối thập kỷ 90 trong giới âm nhạc, bởi trước đó, những người làm nghề trong nước chưa ai từng nghĩ có thể “tiếp máu” âm nhạc cổ truyền với luồng sinh khí hiện đại như thế, bằng cách như thế. Sau đó, những album của Nguyên Lê được giới nhạc lùng nghe, chuyền tay nhau như “bảo bối”. Vì thế, không lạ khi Nguyên Lê là thần tượng của rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ hàng đầu trong nước. Những lần Nguyên Lê về VN biểu diễn, chiếm số đông khán giả là người trong giới nhạc, họ thú nhận mình được kích ứng và nuôi dưỡng niềm hưng phấn khi tiếp xúc với nhạc của ông. Buổi phỏng vấn này được “tranh thủ” trong giờ nghỉ ít ỏi của Nguyên Lê, khi ông đang cùng ca sĩ Tùng Dương tập dượt với ban nhạc cho đêm Quê nhà (12-13/7 tại Hà Nội).

– Trước Nguyên Lê, chưa ai khai thác dân ca Việt như thế nên tôi xin bắt đầu bằng câu hỏi: dân ca Việt Nam đã “đánh thức” ông như thế nào?

– Tôi sinh ra và lớn lên ở Pháp, nhưng từ nhỏ mẹ đã luôn ru tôi bằng những khúc dân ca quê nhà. Rồi theo bố mẹ đi chợ Tết hay những lễ hội của người Việt, tôi thường được nghe cải lương. Việc tiếp xúc âm nhạc truyền thống diễn ra với tôi rất tự nhiên, đến khi tôi trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp thì phần “cổ truyền” ngấm trong máu thức dậy. Tales from Việt Nam là CD đầu tiên tôi phối khí nhạc jazz trên nền dân ca Việt Nam cho ca sĩ Hương Thanh. Với ca sĩ, bài hát chỉ là bài hát, nhưng trong vai trò nhạc sĩ và nhà sản xuất, tham vọng tư tưởng của tôi lớn hơn. Tôi muốn với tai nghe người nước ngoài – họ thấy nhạc jazz hấp dẫn hơn vì mang yếu tố “bản địa” lạ lẫm. Còn với người Việt, họ sẽ được thấy nhạc truyền thống mang sinh lực mới, nó không phải thứ “âm nhạc bảo tàng” như họ vẫn suy nghĩ mặc định cho nó.

– Giới làm nghề trong nước vẫn nói Nguyên Lê là người đưa âm nhạc truyền thống của Việt Nam ra thế giới, còn bản thân ông có tự thấy đó là trách nhiệm của mình? Câu chuyện về sự hòa hợp giữa truyền thống và đương đại dường như diễn ra ở mọi ngành nghệ thuật, quan điểm của nhạc sĩ về việc khai thác thế nào để truyền thống vẫn mang nhịp đập đương đại trong âm nhạc?

– Thật vui khi được biết mọi người dành thiện cảm cho âm nhạc của tôi như vậy. Thực sự là nhạc Việt Nam không có chỗ trên bản đồ âm nhạc thế giới, nhạc pop thì chỉ cộng đồng người Việt nghe với nhau, trong sân chơi world music chiếm phần nhiều là nhạc châu Phi. Vì thế, tôi nghĩ cần có cách để công chúng toàn cầu biết đến âm nhạc Việt Nam – dựa vào di sản truyền thống là cách tốt nhất. Khi “mix” giữa truyền thống và hiện đại, tôi luôn chú trọng sự cân bằng giữa yếu tố “cổ truyền” và “đương đại”. Điều tôi thấy quan trọng hơn cả mà mình làm được là kết nối tình yêu, sự thông hiểu và ham muốn được hiểu biết về một nền văn hóa khác. Trong các dự án âm nhạc của tôi, những nghệ sĩ thường đến từ nhiều sắc tộc, họ có thể hòa thuận và rất gần nhau trong mối liên kết chung là âm nhạc.

– Có thể thấy các màu sắc cổ truyền của Tunisie, Algérie, Maroc, Ấn Độ… trong âm nhạc của ông. Tôi muốn biết về quan điểm của ông trong sử dụng nguyên liệu truyền thống, sản phẩm cuối cùng phải rõ ràng “căn cước vùng miền” hay phải ra “màu Nguyên Lê”?

– Tôi không muốn hạn chế âm nhạc của mình trong bất kỳ không gian văn hóa hay dòng nhạc nào, các dòng nhạc chỉ là khái niệm do chúng ta định ra, tên gọi không quan trọng, cái cốt tử là làm sao để hay nhất thôi. Truyền thống chỉ là chất liệu, trong một bản nhạc có khi tôi cần rất nhiều chất liệu mới đủ trạng thái như mình cần. Ví dụ như bài Lý ngựa ô mang đặc điểm chỉ có giai điệu, thiếu hòa thanh và nhịp điệu như mọi bản dân ca khác của Việt Nam, khi viết phối khí tôi đã đưa nhịp điệu và tiết tấu của âm nhạc châu Phi vào. Như vậy, nói là chỉ ra màu sắc Việt Nam cũng không đúng.

Khó có thể xếp nhạc Nguyên Lê theo ranh giới vùng miền hay tính thể loại, có chăng là xếp theo trường phái của chính Nguyên Lê mà thôi. Vậy đích đến cuối cùng mà ông muốn cho âm nhạc của mình là gì?

– Tôi có giấc mơ là làm nên thứ âm nhạc chưa hề có trên đời, nó phi ranh giới. Tôi đang và sẽ đi trên con đường ấy nên chưa thể hình dung được đích đến của mình.

– Để ca sĩ đứng được trong âm nhạc của ông, họ phải có phẩm chất gì? Tùng Dương là ca sĩ trong nước đầu tiên biểu diễn cùng ông, cậu ấy có điểm gì hòa hợp với âm nhạc của ông?

– Người ca sĩ có thể hát dòng nhạc gì cũng được, nhưng nhất thiết họ phải có cá tính riêng mạnh mẽ và kỹ thuật âm nhạc tốt – vì nhạc của tôi khác thường, nó không theo chuẩn mực nào. Làm việc với Tùng Dương rất thú vị, Dương có giọng rất hay và có sự nhạy cảm nhịp điệu hiếm ca sĩ có được. Đặc biệt, Tùng Dương hát cực kỳ Việt Nam nhưng cũng rất cấp tiến và mang tinh thần đương đại.

Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyên Lê về cuộc trò chuyện này!