- Nguồn: Tạp chí Nghe nhìn Việt Nam – Số 99
- Phát hành: 03/2012
- Người viết: Quốc Đạt
Khi Kodak đệ đơn xin bảo hộ phá sản, tôi không hiểu lúc đó, CEO của hãng này – ông Antonio Perez có tự chụp lại khoảnh khắc đó bằng máy ảnh Kodak không. Nhưng có lẽ không cần, bởi thế giới sẽ lưu giữ khoảnh khắc gã khổng lồ của thế kỷ XIX, XX chính thức đầu hàng khi thế kỷ XXI mới bước vào thập kỷ thứ 2. Hãy nhìn lại những “khuôn hình” chính trong hơn một thế kỷ của thương hiệu nổi danh này.
Cha đẻ của Kodak là George Eastman. Lẽ ra tên công ty là NoDak (North Dakota – nơi Eastman sinh ra), nhưng thay vì chữ N ông George Eastman đã chọn chữ K có nhiều góc nhọn, sắc, rõ ràng và khệnh khạng nhất trong bảng chữ cái. Đúng là công ty của Eastman đã khệnh khạng trong hơn 100 năm qua đến mức người ta nghĩ rằng thương hiệu này sẽ bất khả chiến bại.
Công lao lớn nhất của Eastman là phát minh ra phim cuộn năm 1885, góp phần tạo ra bước ngoặt cho nhiếp ảnh thế giới. Tiếp đó là điện ảnh khi Eastman cùng Thomas Edison phát minh ra máy ký ảnh – thiết bị ghi lại các chuyển động liên tục của sự vật năm 1891. Trước đó, năm 1888, thương hiệu Kodak chính thức được đăng ký. Cũng trong giai đoạn này, câu slogan kinh điển của Kodak đã đi vào lịch sử: “You press the button, we do the rest/Hãy nhấn nút, còn chúng tôi sẽ làm phần còn lại”.
Là nhà nghiên cứu, doanh nhân có tầm nhìn xa trông rộng, ở vào thời điểm đó, ông già Eastman đã thuê các nhà khoa học làm việc toàn thời gian chỉ với mục đích: tạo ra sản phẩm tốt hơn và luôn đi đầu trong những phát minh độc đáo. Nhờ vậy, mỗi tuyên ngôn về chất lượng của Eastman cũng kèm theo sức nặng về thương hiệu Kodak ngày càng gia tăng. Chính sách này giúp Kodak tạo ra những bước ngoặt quan trọng, mang tính định mệnh.
ĐI VÀO LỊCH SỬ VỚI SIÊU PHẨM KODACHROME
Tập trung đầu tư cho chất lượng sản phẩm giúp Kodak tạo nên những “khuôn vàng thước ngọc” cho chất liệu phim. Năm 1935, Kodak cho ra đời siêu phẩm Kodachrome, loại phim 35mm màu đầu tiên trên thế giới, tạo ra bước ngoặt cho nhiếp ảnh và điện ảnh thế giới khi cuộc sống bên ngoài xuất hiện trên tấm ảnh và màn hình trong rạp chiếu với đủ sắc màu.
Với người Việt Nam, nhiều người có thể cảm nhận được điều đó khi sở hữu những chiếc tivi JVC màu đầu tiên trong thời kỳ đầu đổi mới. Đó là niềm kiêu hãnh khó tả. Những công dân của thập niên 40 (thế kỷ XX) hẳn còn kiêu hãnh hơn nhiều khi họ được chứng kiến khoa học đã ghi lại sắc màu của cuộc sống lên tấm giấy như phép lạ. Ơn lớn đó thuộc về ngài Eastman.
NĂM 1975 ĐỊNH MỆNH
Đúng 40 năm sau, vẫn nhờ cơ chế đầu tư vào nhân tài, kỹ sư Seven Sasson của Kodak đã phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số đen trắng đầu tiên trên thế giới. Những tưởng đây là bước ngoặt rạng ngời của Kodak khi bước vào kỷ nguyên số. Nhưng không phải thế. Đây cũng là đường gấp khúc, đánh dấu sự đi xuống của thương hiệu này. Thị phần sản phẩm film cho máy ảnh của Kodak bị Fujifilm của Nhật Bản tấn công dữ dội, nhất là về giá cả. Mỗi bước tiến nhỏ của Kodak trên thị trường Nhật Bản lại là bước lùi lớn trước Fujifilm trên nước Mỹ.
Sở hữu phát minh máy ảnh kỹ thuật số đen trắng đầu tiên, nhưng lại tập trung phát triển máy… in khiến Kodak tụt hậu so với các đối thủ trẻ hơn, nhưng đủ khôn ngoan như: Sony, Canon, Nikon, Olympus… Còn những mẫu máy ảnh Kodak, dù từng bán rất chạy, doanh số cao, nhưng phát triển què quặt trên thị trường. Vì thế, những dòng điện thoại có tính năng chụp ảnh ra đời là cái tát ngọt ngào dành cho Kodak. Người tiêu dùng đã không còn sử dụng máy chụp phim. Máy ảnh kỹ thuật số phải ở đẳng cấp chuyên nghiệp, còn không chỉ cần máy ảnh là đủ!
Cuối những năm 1990, Kodak phải vật lộn về tài chính do sụt giảm doanh số bán hàng của phim ảnh. Năm 2000, Kodak hửng đông đôi chút trong phân khúc máy ảnh kỹ thuật số. Đến năm 2005, Kodak bừng sáng khi đứng đầu doanh số bán máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên, CEO của Kodak Antonio Perez lại cho rằng: kinh doanh máy ảnh kỹ thuật số “không hấp dẫn”, nên tiếp tục “đâm đầu” vào thiết bị in và chia sẻ ảnh kỹ thuật số.
Thất bại về chiến lược và không có người điều hành đủ nhanh nhạy để nắm thời điểm then chốt trong kỷ nguyên số, Kodak lại tuột dốc. Đến giữa tháng 7/2011, hãng này phải bán tháo các bằng phát minh về công nghệ hình ảnh kỹ thuật số. Tiếp đến là thuê luật sư để chuẩn bị đệ đơn xin bảo hộ phá sản sau khi đốt hết tiền vào phát triển máy in, kiện tụng với Apple “chôm chỉa phát minh” và thị trường film thoi thóp cùng dòng máy ảnh cơ đã đi vào tủ kính.
Như vậy, Kodak đã bỏ lỡ cơ hội phát triển dòng sản phẩm kỹ thuật số, bỏ qua điện thoại có chức năng máy ảnh, laptop có webcam… Giờ đây, chúng ta chỉ biết chờ/hy vọng tập đoàn Eastman Kodak sẽ tái cấu trúc để xứng đáng với những vinh quang từng có. Bởi chúng ta không thể quên thời điểm năm 1986 khi Kodak cùng các nhà khoa học phát minh ra chip CCD – cảm biến megapixel có khả năng ghi 1,4 triệu điểm ảnh đầu tiên trên thế giới. Khoảnh khắc đó không kém thước phim Kodachrome 35mm màu của năm 1935. Cũng chính Kodak đặt viên gạch đầu tiên cho các đĩa mềm máy tính, đĩa CD rewrite và máy in phun chất lượng hoàn hảo. Những người yêu điện ảnh sẽ không quên màu phim mà Kodak đã phủ lên Hollywood trong nhiều thập kỷ.
Thế giới đã ghi nhận cụm từ vựng “Kodak moment” như khái niệm cho mọi khoảnh khắc từ bình thường đến vĩ đại, từ thông thái đến lố bịch. Nhưng rất có thể, những khoảnh khắc sẽ thuộc về quá khứ, của Eastman và Edison, những người đã chứng minh với nhân loại rằng: chúng ta không thể trường sinh bất lão, nhưng chúng tôi có thể biến 1/100 giây của bạn trở thành vĩnh cửu.