[Sành Điệu Style (139) | 01.2013 | Bùi Mai Hương]
Năm 28 tuổi, lần đầu tiên trong đời, tôi không được ăn Tết Hà Nội. Tôi cứ tự tin rằng ở cái tuổi “vẫn biết ta giờ không trẻ quá” ấy, tôi sẽ chịu đựng được cái Tết xa Hà Nội không đến nỗi khó khăn. Hôm ấy là 30 Tết, nơi tôi sống chậm hơn Hà Nội sáu giờ, đến 3h chiều, tự dưng lòng tôi bồi hồi, xốn xang khó tả. Tôi vội vã bỏ hết thí nghiệm, sách vở, hối hả đạp xe ngược chiều tuyết về nhà. Nơi tôi ở không có VTV4, internet chập chờn, nhưng khi vừa bắt được qua máy tính những hình ảnh đầu tiên của cầu truyền hình chiếu cảnh người dân tụ về Bờ Hồ đêm giao thừa, nước mắt tôi cứ lăn dài không gì ngăn nổi. Hà Nội của tôi đã thực sự Tết rồi!
Sau này, tôi còn phải xa Hà Nội mùa Tết nhiều năm, nhưng tôi đều chuẩn bị cho sự xa cách ấy một cách chu đáo như cắm sẵn hoa, nấu sẵn nồi măng khô, làm nộm su hào… và về thật sớm để đón Tết online với Hà Nội. Tôi đã thấm thía, không được ăn Tết Hà Nội là một cảm giác rất khó chung sống, bởi Tết Hà Nội không chỉ thấm đẫm phong vị Tết Bắc mà còn là thời điểm, nét văn hoá Hà Nội xưa được gợi lên nhiều nhất, là thời khắc những kỷ niệm ấm áp lại ào về trong lòng mỗi người.
HÀ NỘI NHỮNG NGÀY ÁP TẾT
Người ta vẫn có câu “30 chưa phải là Tết”, nhưng với Hà Nội, có lẽ “tết” nhất lại là những ngày trước 30 khi người Hà Nội chuẩn bị Tết thật kỹ càng, chu đáo, tinh tế và rất phong lưu. Khi tôi còn nhỏ, Hà Nội trải qua những năm cuối cùng của thời bao cấp, thiếu thốn đủ đường, vậy mà tôi vẫn nhớ nhà nào cũng phải lo đủ những cặp bánh chưng thật rền, bánh mứt kẹo Hà Nội, hoa violet, hoa thược dược và một băng pháo phân phối. Ngày ấy nhà nhà đều tự gói bánh chưng, có muốn mua sắm cũng làm gì có. Mẹ ngược xuôi mới lo được mớ lá dong tươm tất, bố đi làm đến tận 29 Tết mà tối về ngồi lo gói bánh sao cho vuông đẹp. Tôi nhớ mãi cái cảnh cùng đám trẻ trong xóm “thồ” bánh chưng bằng xe đạp đẩy ra xưởng Cơ khí Bách khoa, luộc trong cái thùng gang to đùng, rồi lại hì hục thồ về, háo hức lắm để còn bóc cái bánh chưng con xinh xinh của riêng mình.
Ở nơi khác, ăn Tết có khi chỉ cần no ấm là đủ, nhưng ở Hà Nội, hoa đôi khi còn quan trọng hơn bánh kẹo. Vào nhà nhìn hoa là biết phong thái gia chủ, người cầu kỳ, người giản dị, người thích sum suê cho no đủ, người thích nhẹ nhàng tinh tế. Ngày ấy, nhà nào sang mới có bình lay ơn đỏ thắm, còn thì chỉ vài bông thuợc dược, violet và cúc susi là quý lắm rồi. Hà Nội Tết giờ đã no đủ, bánh trái gì cũng có, hoa violet, thược dược chẳng còn là mốt, nhưng ký ức Tết xưa mạnh đến nỗi giờ đây, mỗi khi ra Hà Nội ăn Tết, tôi đều tìm mua và cắm một bình hoa violet tím ngời ngợi nhớ thương.
Hà Nội có nhiều chợ hoa, nhưng người Hà Nội thích đi chợ hoa Hàng Lược, và người ở xa có lẽ cũng nên tới chợ hoa Hàng Lược. Hoa chen trong phố, người chen trong hoa. Chỉ ở Hàng Lược mới có cảnh có người cầm đi bán chỉ một cành đào, bán đắt rẻ đôi khi chỉ vì… thích người mua hay không, bán xong chưa về vì còn đi chơi chợ hoa tiếp. Tôi hay sà vào khu vực bán hoa thuỷ tiên. Tôi không nhớ đọc ở đâu mà cứ ấn tượng mãi về thú chơi hoa thuỷ tiên của các cụ xưa, mua củ hoa về tự gọt, tự chăm và tự canh sao cho hoa nở đúng đêm Giao thừa. Giờ thì ít người còn cầu kỳ được đến thế, nhưng nhiều người Hà Nội vẫn mua giò thuỷ tiên đã gọt sẵn, đã đơm nụ chúm chím, chùm rễ dài trắng muốt trong cái bình thuỷ tinh trong suốt, canh tưới nước ấm hay lạnh để hoa nở đêm ba mươi, mùi hoa ngọt ngào trong cái lạnh se sắt.
Hà Nội bao quanh bởi các làng hoa. Dù giờ có mai một đi nhiều, nhưng đi xa mới thấy, Hà Nội vẫn là đất của hoa. Chả thành phố nào mà chỉ cần đi một chút ra ngoại ô, bạn đã gặp những “ruộng hoa, luống hoa” đẹp đến thế. Hoa không bạt ngàn như những cánh đồng hoa Hà Lan mà xen kẽ trong làng lúa, đôi khi lẫn với cả những ruộng cải vàng hoa, những vuông đất mới ải. Làng hoa Nhật Tân không còn rộng đẹp như ngày xưa, nhưng nếu muốn lang thang giữa những hàng đào tươi mởn, hàng quất chín mọng, bạn còn nhiều chỗ để đi lắm.
Tôi rất thích ngắm những gốc “lão đào” ở Nhật Tân vương những bông thật thắm, dù còn nguyên những vết cắt trên thân cây chia tay những cành đào đã về phố. Hoa hồng đỏ, hoa cúc hải đường, hoa đồng tiền, hoa sói tạo thành những ô màu đẹp mắt cho làng hoa Tây Tựu, điểm đến ưa thích ngày xưa của đám sinh viên. Hà Nội bây giờ lên đê Nhật Tân còn được ngắm đào rừng, cành lớn lá xanh, hoa màu phai ùn ùn về phố, còn được ngắm vô vàn những chậu lan quý giá từ Đà Lạt chở ra, nhưng sao tôi vẫn thích những thứ hoa giản dị đặc trưng của Hà Nội xưa, như chậu đỗ quyên không thể thiếu trên bậu cửa hay bậc cầu thang của những gian nhà Hà Nội chật hẹp.
Hà Nội cũng là xứ sở của mứt và ô mai Tết. Bây giờ, lên Hàng Đường một lúc là có đủ mọi thứ, nhưng tôi lại thèm mấy loại mứt Hà Nội đặc trưng chả mấy ai bán, toàn phải tự làm: mứt cà chua, mứt quất nguyên quả, mứt táo ta và mứt khoai tây. Mứt quất đâu chả có, nhưng phải là thứ mứt còn nguyên cuống, quả chỉ được ép bớt nước và hạt ra nhờ những nhát khía hình hoa, và không bị ép phẳng. Mứt táo ta thì phải là loại táo Thiện Phiến ngày xưa, quả dài và cùi dầy. Mứt khoai tây thì miếng phải mỏng, trong, đường bám thành lớp trắng tinh mịn màng, ăn thơm và bùi bùi. Tôi nhớ ngày xưa, các mẹ và đám con gái mới lớn chúng tôi tối nào cũng hì hục cắt khoai cắt táo ngâm nước vôi vài ngày rồi đun mứt đến khuya, ngâm không khéo một chút là miếng mứt sẽ dai, đun to lửa một chút là mứt cháy, nhưng làm cho ra để mời khách là tự hào sung sướng vô cùng.
Chuẩn bị cỗ Tết Hà Nội là cả một sự cầu kỳ, tinh tế, tỉ mỉ, chu đáo và… mất thời gian vô cùng. Chả trách mà ngày xưa các bà các mẹ đôi khi… sợ Tết. Mẹ tôi cũng sợ, nhưng giờ khi đã làm mẹ, tôi hiểu, dù có bận rộn đến mấy tôi cũng sẵn sàng làm bởi những món ăn ấy là kỷ niệm tuổi thơ của con, là tình cảm mà mẹ giành cho gia đình, là hương vị sẽ theo con suốt cả cuộc đời.
Mẹ tôi luôn nhận là vụng về, thế mà tôi thích lắm nồi măng mẹ nấu, thơm và dừ tơi, tôi thích món canh nấm hương bao giò sống, đậm vị, ngọt ngào mà thanh tao, tôi thích món mọc miến, giản dị mà tinh tế, và dù đã ăn qua nhiều món nem các miền, ăn “chả giò” hải sản, tôi vẫn thích cái nem giòn tan thịt vừa vặn mà không có hải sản, nhiều rau và giá, của Hà Nội. Làm nộm su hào cà rốt sao cho tơi, giòn, thơm mà không chua gắt, trình bày đẹp mắt cũng có thể chiếm mất của mẹ cả buổi chiều, chưa kể có buổi ngâm ớt làm hoa sơ ý phỏng cả cánh tay. Con gà cúng Giao thừa cũng phải bẻ cánh khéo léo, luộc nhỏ lửa để không nứt da, và ngậm bông hồng đỏ, sao cho cả năm đủ đầy, may mắn và an lành.
Chu đáo đến thế mà nhà nào cũng cuống cuồng ngày 30. Cho đến giờ, tôi vẫn mê mẩn cái cảnh chợ Hà Nội ngày 30 Tết, sáng sớm đã tấp nập, vội vã, hoa tươi ngập tràn, tiếng nói lao xao xen tiếng gà quang quác, và đi đâu cũng thấy cảnh vài anh thanh niên vùng ven chở bán những bó lá mùi già thơm lựng để nhà nhà tắm tất niên. Hương lá mùi ấy là nỗi ám ảnh với tôi khi đi xa. Ngày xưa mẹ nấu xôi gấc sáng 30, tờ mờ sáng đã dậy trộn gấc với rượu cho thắm, năm nào cũng thế mà hồi hộp lắm, vì chỉ sợ không đỏ là “dông” cả năm. Giờ thì việc ấy đã có các cô hàng đỡ hộ, và tôi có thêm cái thú chen chúc để mua cho được bánh xôi gấc đóng khuôn đẹp mắt còn đang tỏa khói nóng hổi, bánh chè lam vàng óng và miếng chè con ong ngọt dịu thơm mùi gừng.
Chợ 30 cũng là nơi hoặc bạn phải mua rất đắt, hoặc mua được rất rẻ, hoặc giữa trưa phải vội vàng chạy lên chợ Hàng Bè để mua nốt những thứ trót quên. Vội vã hối hả thế mà đến đầu chiều là chợ vắng tanh, đìu hiu, các chị lao công đưa những nhát chổi cuối cùng, ai nấy đã về nhà nấu cỗ, tắm lá mùi, chuẩn bị cho đêm Giao thừa, thời khắc thiêng liêng nhất của năm đã tới cận kề. Lúc đó mà có dịp chạy xe qua Bờ Hồ, bạn sẽ thấy những ụ pháo hoa đã sẵn sàng để đem đến niềm vui cho mọi người lúc Giao thừa.
HÀ NỘI NHỮNG NGÀY ĐẦU NĂM
Ngày xưa, khi còn là cô bé lớp bảy, trong bài văn tả Tết, tôi đã viết “em nghĩ rằng tiếng pháo đêm Giao thừa tượng trưng cho niềm vui vỡ òa của mọi người khi năm hết Tết đến”. Bây giờ không còn pháo, không còn cái cảnh sáng ra đạp chân trên thảm xác pháo hồng như hoa đào trước cửa, và tôi cũng không còn ở tuổi thấy năm mới là thấy niềm vui vỡ òa nữa, nhưng Hà Nội những ngày đầu năm vẫn còn nguyên vẻ quyến rũ đến lạ thường.
Sáng mồng Một, Hà Nội ngủ muộn lắm, mặt Hồ Gươm cũng dường như chẳng muốn xao động. Nếu ra đường vào lúc này, nhiều khả năng bạn không gặp ai cả, trừ khi bạn theo bà theo mẹ đi lễ đầu năm ở mấy ngôi chùa cổ. Nguyên xuân là đây, khi tiếng chuông chùa thanh tao đón năm mới, khi các bà các mẹ đài các trong những tà áo dài nhung gấm nhẹ nhàng bước vào chùa. Mùi hương trầm ấm áp lan tỏa trong những hạt mưa bụi phơi phới bay…
Nếu muốn cảm nhận một Hà Nội tinh khôi, yên ả và thánh thiện, bạn hãy “xuất hành” sáng sớm mồng Một, hãy lặng nhìn Hồ Gươm từ cầu Thê Húc, hãy ngắm Hồ Tây bảng lảng sương sớm, hay đơn giản chỉ đi dạo trong phố cổ tấp nập nay tĩnh lặng đến tê người, bạn sẽ thấy tình yêu Hà Nội ngấm đến từng kẽ tóc. Nhà nhà treo cờ đỏ, phố phố sạch sẽ tinh tươm, mùi trầm mùi khói hương len đến từng góc nhỏ, dường như mọi vật trở nên tinh khiết và trong ngần trước năm mới.
Rồi người cũng về phố, rồi phố cũng đông dần lên, ai cũng quần áo mới, lòng ai cũng đẹp như khăn mới thêu. Người Hà Nội đặc biệt trọng câu chúc đầu năm mới, đến mồng Bảy mồng Tám rồi mà gặp nhau lần đầu năm mới cũng vẫn chúc, những lời chúc cho sức khỏe, cho công việc, cho may mắn và bình an. Ba ngày tân niên, nhà người Hà Nội đặc biệt đông khách, là họ hàng, là bạn bè đi chúc Tết, xốn xang và rôm rả. Ngày còn bé, tôi nhớ chỉ riêng hoàn thành hai việc được giao: rửa chén, pha trà mới và tiếp thêm bánh kẹo mứt sao cho luôn đầy là đã hết ngày, nhưng niềm vui nhận được tiền mừng tuổi đủ để đám trẻ hãnh diện với công việc được làm.
Năm mới nhà nào cũng bận, bận đi chúc Tết, bận đón khách, nhưng có lẽ bận nhất là cúng tại gia, ngày nào cũng đủ mâm cỗ mời các cụ tổ tiên về với con cháu. Chắc ít nhà Hà Nội bây giờ còn giữ được nếp cỗ “sáu bát tám đĩa” như ngày trước, nhưng cỗ nóng thơm, phong phú, bày đẹp, thay đổi ba ngày là cả một sự công phu của các mẹ. Còn đám trẻ thì chỉ ngày mồng Hai đã bắt đầu ngán, đã mơ đến bún ốc phủ Tây Hồ, bún ốc bà Sáu hay bún Hàng Chĩnh. Từ mồng Ba, Hà Nội nở rộ các hàng bún ốc, bún cá phục vụ khách chơi Tết, đây cũng là lúc các phần lễ nghi đã giảm bớt, để mọi người bắt đầu cái thú chơi xuân. Ai còn đang đi học thì lên Văn Miếu tham quan và xin chữ, ai muốn cầu may thì đi phủ Tây Hồ, ai muốn cầu duyên thì chùa Hà, ai muốn đổi món thì có thể lên khu vực nhà thờ Lớn, nơi những hàng quán mang phong vị Tây vẫn mở để phục vụ khách nước ngoài và khách Việt. Đã nhiều năm nay, cứ Tết đến là tôi lại ngồi ở quán cà phê Moca trên phố Nhà Thờ, nơi có khung cửa kính thật rộng để lặng ngắm dòng người qua phố, để hí hoáy viết cho riêng mình vài dòng đầu năm, hay đơn giản chỉ để ủ tay bằng ly cà phê hay tách trà nóng, xoa dịu cái lạnh trên đôi bàn tay phủ đầy hạt mưa xuân.
DƯ ÂM TẾT HÀ NỘI
Hội Gò Đống Đa bắt đầu ngày mồng Năm, cũng là lúc trẻ con bắt đầu đi học. Ngày còn bé, tôi cứ mong sao cho đừng đến sáng mồng Năm, bởi đấy là lúc hết Tết, là lúc đứa nào trốn học đi hội Gò sẽ bị phạt nặng lắm. Tôi thèm nhớ cái sinh hoạt ngày Tết, sáng ra là cỗ bàn, là tưới đào tưới quất, tối về là sục chân vào chăn ấm cùng đám trẻ trong khu nhà kể chuyện Tết, khoe nhau xem tiêu gì với số tiền mừng tuổi mới có. Tôi ao ước được làm người lớn, để bắt đầu mùa rình rang lễ hội của tháng ăn chơi, nào chùa Thầy, chùa Hương, nào Côn Sơn, Yên Tử… Cứ đến lúc nhà hóa vàng là tôi lại ước bao giờ cho đến Tết năm sau để lại được nấu bánh chưng, làm mứt, được đi lễ chùa Quán Sứ vào sáng sớm mồng Hai.
Bây giờ, tôi còn thèm Tết hơn cả hồi bé, bởi tôi biết, Tết là lúc người ở xa như tôi được về Hà Nội, cuống quit vội vàng hít hà hương cây mùi già thơm thảo, ăn miếng măng lưỡi lợn dày mà mềm ngọt, ngắm hoa đào se sắt trong gió đông. Năm nay tôi không được ra Hà Nội những ngày áp Tết mà chỉ ra khi năm mới đã sang. Tôi sẽ lấy lại cho mình chút dư âm Tết Hà Nội xưa với món măng món nộm, với nồi mứt Tết cho con gái, với chiếc bánh chưng con buộc lạt đỏ cho con trai. Tôi sẽ mặc chiếc áo dài trắng quần lĩnh đen thời con gái ngày xưa để đi lễ chùa cầu an, để nghĩ về những điều đã qua và những gì đang tới, nghĩ về những mùa xuân nối tiếp mùa xuân.
Tôi nhớ có năm, nhà được tặng cây mai vàng chớm nụ, thế mà mặc cho cả nhà mắc đèn sưởi, tưới nước ấm, cây mai đến mồng Ba cũng chỉ cho ba bông, và chỉ nở bừng khi tháng Tư về. Còn tôi, năm đầu ăn Tết phương Nam, mua bằng được cành đào phai về mà Tết chưa sang hoa đã nở bừng và heo héo hiu hắt, cứ như bộ dạng nhớ nhà của tôi. Tôi chợt hiểu rằng, hoa nở đúng đất, người đâu phải ở đó, Tết đi đâu cũng phải về nhà. Tôi phải về Hà Nội thôi, ở nơi đó, “tôi còn nhớ phố, nhớ mẹ của tôi, nhớ mối tình xưa, nhớ bạn bè xưa”. Ở nơi đó, Hà Nội vẫn nhớ thương chờ tôi!
Sài Gòn, những ngày cuối năm 2012