Phải nói là số mình “buộc phải” xem “Gió bình minh” mới đúng
Ngày diễn chính thức là thứ Hai (25/9), nhưng vì trời mưa nên hoãn lại đến thứ Năm (28/9). Tuần trước đã định ghé qua Triển lãm Vân Hồ để mua vé, nhưng rồi lại lười và quyết định không đi xem nữa dù cũng có quan tâm, và có tiếc. Cuối cùng đến thứ Năm lại có thể đi xem được, mà đến nơi mới biết là chương trình không bán vé, chỉ phát giấy mời thôi. May mắn thật!
Không kịp ăn gì, vác cái bụng lép kẹp đến Triển lãm Vân Hồ trước giờ diễn để kịp chọn chỗ ngồi. Ghế không đánh số, được chia thành các khu vực xung quanh các sân khấu biểu diễn. Ai muốn ngồi chỗ nào cũng được. Chỗ ngồi của mình là chỗ có thể đứng dậy đi lại thoải mái trong giờ diễn, tha hồ mà đứng lên chụp ảnh, lắc lư, nhún nhảy, chẳng bị gò bó như khi xem ca nhạc trong Cung Văn hoá Hữu nghị hay Nhà hát Lớn và cũng chẳng làm ảnh hưởng đến ai, nhưng bất tiện ở chỗ không nhìn được sân khấu chính vì bị mấy cái máy quay chắn mất tầm nhìn. Chẹp, đi xem ca nhạc ghét nhất là mấy bố quay phim đấy!
Sân khấu đơn giản và rất dân tộc! Khu vực biểu diễn gồm ba sân khấu cao bố trí ở ba góc khác nhau để biểu diễn nhạc cụ và một khoảng sân trống ở chính giữa. Chất liệu dùng để trang trí sân khấu là chiếu cói và mành tre. Ấn tượng đầu tiên cảm nhận được là sân khấu không hoành tráng mà trông… ngon ngon vì cách trang trí làm gợi nhớ mấy quán ăn dân tộc, nhất là khi cái bụng đói đang kêu réo thảm thiết thì lại càng dễ liên tưởng
Phía trước, phía sau, phía trên sân khấu
Sân khấu chính diện từ ngoài đi vào là nơi biểu diễn trống, bộ gõ, vocal. Sân khấu bên phải là nơi biểu diễn những gì có thể gảy được như guitar bass, đàn nguyệt, đàn đáy,… và bộ cồng chiêng Tây Nguyên. Sân khấu bên trái là nơi biểu diễn sáo dân tộc, đàn bầu, đàn t’rưng, và synthesizer. Đối diện với sân khấu chính là bàn mixer to uỳnh. Buổi biểu diễn này cũng có thể gọi là một buổi triển lãm nhạc cụ dân tộc. Có rất nhiều nhạc cụ dân tộc tham gia trình diễn mà mình không biết hết tên. Chỉ riêng việc đoán biết âm thanh đang phát ra từ nhạc cụ nào, ở vị trí nào, cũng đã là một cuộc chơi thú vị trong suốt cả buổi biểu diễn, khi mà hệ thống âm thanh surround 5.1 không phải để dẫn dắt người nghe đến với các lớp âm thanh khác nhau như khi xem phim mà đóng vai trò rải đều và đảm bảo chất lượng âm thanh đồng đều như nhau đối với mọi vị trí trong khu vực biểu diễn (với điều kiện bạn không đứng ngay cạnh loa nhé
). Còn cái gọi là synthesizer, với “người trần mắt thịt” như mình, chỉ đơn giản là hai cái keyboards xếp chồng lên nhau, cái to xếp ở dưới, cái nhỏ xếp lên trên và phát ra những âm thanh lạ tai
Triển lãm nhạc cụ dân tộc
Chẳng đủ hiểu biết và tinh tế để có thể nhận xét các nhạc công biểu diễn như thế nào. Chỉ cảm nhận rằng trong “Gió bình minh”, không có điểm nhấn dành riêng cho từng nhạc cụ thể hiện như ở “Đường xa vạn dặm” của Quốc Trung, mà tất cả hoà quyện làm một, hài hoà và đồng đều. Có thể lúc này, trọng tâm là vocal, lúc khác lại là sáo, là nhị, là đàn bầu,… nhưng không độc tôn mà chỉ mượn âm sắc của nhạc cụ ấy để chuyển tải ý tưởng âm nhạc. Chẳng biết là có chính xác hay không nữa Nhưng chắc chắn một điều, trong các bản phối của Đỗ Bảo, dù là ca khúc hay khí nhạc, có hai nhạc cụ luôn có sức hút đặc biệt đối với mình là piano (lần này không có) và trống (lần này có, mãnh liệt
). Còn nhận ra một sound nữa, chẳng biết gọi là gì, đã được Đỗ Bảo sử dụng trong bản phối cho “Nghi ngại”, chắc chắn là do bộ synthesizer kia “gây ra”, nghe một cái nhận ra liền
Nghe lỏm đứa bạn nói chuyện với một đứa bạn khác của nó, người này chơi thế này, người kia chơi thế nọ, đoạn này thế này, đoạn kia thế nọ mà chẳng hiểu gì. Nhưng cũng nhờ nó “phiên dịch” mà mình hiểu và xâu chuỗi được nội dung của “Gió bình minh”. Đại khái là con người đang sống yên ổn, hạnh phúc trên một vùng đất thì gặp phải thiên tai hay cái gì đó khiến họ đau đớn, khổ cực và phải hành hương đến một vùng đất khác. Cuối cùng họ cũng tìm được một vùng đất mới, xây dựng một cuộc sống mới, yên vui, hạnh phúc. Nếu như trong “Đường xa vạn dặm”, cả câu chuyện được chia thành nhiều đoạn nhỏ, có mở, có kết, có lời dẫn giải giúp khán giả hiểu và nắm bắt ý tưởng của những người thực hiện, thì ở “Gió bình minh”, âm nhạc kết nối, đan xen liền mạch và được dẫn dắt bằng ngôn ngữ múa đương đại. Khá bất ngờ!
Dẫn dắt bằng ngôn ngữ múa đương đại
Bên cạnh hiệu quả âm thanh của hệ thống loa to, loa bé, cái treo trên cao, cái để dưới đất, cái cong, cái thẳng có ở khắp mọi nơi quanh khu vực biểu diễn thì sự xuất hiện của các diễn viên múa cũng đóng góp một phần hiệu quả đáng kể cho “Gió bình minh”. Không phải là múa minh hoạ theo kiểu lời bài hát thế nào thì biểu diễn lại như thế
, mà múa, cũng giống như các nhạc cụ, góp phần thể hiện và chuyển tải ý tưởng của nhạc sĩ. Ba lần các diễn viên múa xuất hiện là ba điểm nhấn của câu chuyện “Gió bình minh”, thu hút hoàn toàn sự chú ý của khán giả về sân khấu trung tâm. Ở phần cuối cùng, còn có cả sự tham gia của khán giả. Chẳng hiểu gì về múa để có thể bình luận nhiều, chỉ biết là mình cảm thấy thích và bị cuốn hút. Và rút ra một kết luận rằng, đối với “Nhật thực” và “Gió bình minh”, chỉ nghe CD thôi chưa đủ, phải vừa nghe, vừa xem mới đã, mới đúng kiểu!
Chương trình kéo dài gần 90 phút. Gọn gàng, chặt chẽ nhưng cũng không kém phần phóng khoáng. Chẳng thể tụng ca vì đây không phải là lần đầu tiên được nghe thể loại âm nhạc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông với phương Tây. Còn nếu để so sánh, chắc chỉ có thể nói, với “Đường xa vạn dặm” của Quốc Trung, âm nhạc hiện đại là phương tiện để thể hiện âm nhạc truyền thống dưới một hình thức khác, màu sắc khác thì “Gió bình minh” của Đỗ Bảo kết hợp âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại để thể hiện ý tưởng của tác giả. Hihi, so sánh rồi lại chẳng thấy khác nhau mấy nhỉ! Nhưng thôi, quan trọng là mình đã được thưởng thức một buổi biểu diễn rất hay và thú vị. Quên cả đói
Hai “ý tưởng gia”: Nhất Lý và Đỗ Bảo