Weekend điên


Hì, hôm trước vừa xem tập cuối “Ngôi nhà hạnh phúc” phát lại trên VTC1. Xem lần thứ hai rồi mà vẫn cười ngất ngư. Nhân dịp liveshow Lam Trường ở Hà Nội bị hoãn vô thời hạn, lại lôi Bi ra kể vậy!

Thật ra là mình chẳng biết gì nhiều về Bi, nếu không muốn nói là gần như không biết gì, ngoại trừ bộ phim “Ngôi nhà hạnh phúc” với bài hát “Ba con gấu” ngang như con cua xem lần đầu tiên trên ĐTH Hà Nội. Lúc đấy, chẳng hề biết Bi là ca sĩ. Phim phát sóng được một thời gian, Bi bắt đầu xuất hiện dày đặc trên các mặt báo, tạp chí. Khi đó mới biết Bi không phải là diễn viên điện ảnh mà là ca sĩ, và không chỉ là ca sĩ mà còn là một ca sĩ đang rất nổi tiếng ở Hàn Quốc và châu Á. Thấy thú vị vì ca sĩ gì mà đóng phim chẳng bị gượng gạo gì cả, rất thật và tự nhiên.

Bắt đầu tò mò khi Bi được mời tham gia chương trình ca nhạc do S-Fone tổ chức miễn phí cho khách hàng. Sau đó, lại vô tình xem được phần tường thuật trên HTV9 (âm thanh thì tậm tà tậm tịt, chẳng nghe được gì, nhưng thích phần vũ đạo) cùng với một số bài báo, phỏng vấn đánh giá cao sự chuyên nghiệp của Bi và ê-kíp trong quá trình tham gia chương trình của S-Fone, thế là để ý. Và cuối cùng thì…

Ngày 10/3

Buổi sáng, cuống cuồng làm cho xong công việc ở cơ quan, 10h30 chạy bay về nhà, bỏ vài thứ cần thiết vào balô, ăn sống ½ gói mì tôm rồi gọi taxi ra sân bay Nội Bài cho kịp chuyến bay lúc 13h10. 15h máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Còn 4 tiếng nữa mới đến giờ diễn. Tưởng là nhiều, vậy mà cũng chỉ đủ thời gian để đi lấy vé, nhận phòng khách sạn, ăn một bữa chống đói rồi ra Sân vận động Quân khu 7.

Trên vé đề giờ mở cửa là 17h, giờ diễn là 19h. 18h40 có mặt tại “hiện trường”. Đông nghịt người. Khắp nơi đều thấy hình ảnh của Bi. Ngoài cổng người ta bán những quả bóng hình trái tim dán kim tuyến hay cái gì đấy lấp la lấp lánh có que dài để cầm rất đẹp. Từ ngoài cổng đi vào có cả một nhóm fans mặc đồng phục váy màu hồng, cầm bông màu to đùng cũng màu hồng xếp thành 2 hàng, vừa nhún nhảy vừa kêu tên Bi theo nhịp rất vui nhộn. Trong sân có nhiều gian hàng nhỏ của các nhà tài trợ và cả một vài Bi Rain’s Mini Shop, chẳng biết bán những gì nhưng mọi người cứ chen chúc vòng trong vòng ngoài. Vui, nhưng chẳng muốn loanh quanh ở bên ngoài nữa nên đi thẳng vào khu vực biểu diễn. Đi đến đâu có người hướng dẫn tới đó nên không gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ngồi. Vẫn như thường lệ, lại loay hoay ngó nghiêng, ngắm nghía hết chỗ này đến chỗ khác. Vẫn còn nhiều ghế trống lắm. Kiểu này còn lâu chương trình mới bắt đầu!

Tha thẩn một thôi một hồi, sân khấu vẫn tối om, nhiều chỗ ngồi vẫn trống hoác, chẳng biết làm gì nên ra bắt chuyện với bạn tình nguyện viên hướng dẫn chỗ ngồi lúc nãy. Hỏi han vặn vẹo bạn ý một lúc thì bị bạn ý vặn lại: “Chị đi xem chương trình vì Bi hay vì đây là một chương trình quốc tế?”. Hihi, hỏi khó thế! Cuối cùng cũng đành thẽ thọt khai báo là đi xem vì muốn biết cách thức tổ chức chương trình nhiều hơn là vì Bi. Cũng may, bạn ý tỏ ra thông cảm!

Hai màn hình hai bên sân khấu bắt đầu phát đi phát lại clip Bi giới thiệu về chương trình tại TP.HCM và mục đích gây quỹ từ thiện của world tour lần này. Khán giả cũng bắt đầu đến đông hơn, lấp dần những chỗ ngồi còn trống. Mà khán giả Sài Gòn lạ lắm, mình để ý thấy có cả những em bé 6, 7 tuổi đến những người trung niên, thậm chí còn cao hơn thế nữa cũng đi xem. Khán giả nhiệt tình như thế, hèn gì ai làm liveshow cũng chỉ thích làm ở Sài Gòn. Chẹp, ghen tị quá đi!

Rain World Tour tại Sân vận động Quân khu 7
Bác Hồ cũng đến xem Bi

Vì chương trình bị cấm quay phim, chụp ảnh trong lúc biểu diễn, nên tranh thủ chụp linh tinh mấy kiểu trước giờ diễn. Đang mải ngắm nghía khu vực chồng chất màn hình, máy móc ở giữa sân cỏ thì phát hiện ra biên tập viên Anh Tuấn diện quần xà lỏn, áo phông, đội mũ lưỡi trai, dậy dợ lằng nhằng quanh người đang chạy đi chạy lại. Đọc loáng thoáng đâu đấy thấy nói Anh Tuấn làm giám đốc sản xuất cho chương trình của Bi ở điểm diễn Việt Nam, định chộp một kiểu thì đối tượng có nguy cơ chạy mất. Chẳng hiểu máu liều ở đâu nổi lên, cứ thế mà “Anh Tuấn ơi!”, lập tức Anh Tuấn đứng lại, giơ tay chào cho chụp rồi lại chạy biến. Đúng là quen bị phỏng vấn, chụp hình rồi có khác, luôn luôn sẵn sàng trong mọi trường hợp! Nhưng chẳng hiểu mình khua khoắng, ngắm nghía kiểu gì mà có được một tác phẩm trông đến là nhoe nhoét!

Biên tập viên Anh Tuấn tại Rain World Tour
Biên tập viên Anh Tuấn

19h50, giọng nói quen thuộc của biên tập viên Anh Tuấn vang lên, nhắc nhở mọi người ổn định chỗ ngồi để chương trình bắt đầu. Mình cũng ngoan ngoãn trở về chỗ, số ghế SC5L22 (ghế số 22, hàng L, khu vực sân cỏ 5), tuy hơi chéo sân khấu một tẹo nhưng xung quanh vẫn còn nhiều ghế trống nên tầm nhìn khá thoải mái. Phải đợi thêm ngót nghét 15 phút nữa, hệ thống đèn chiếu sáng trên sân vận động mới được tắt dần từng cụm. Trước khi đèn tắt hết, còn kịp nhận ra đạo diễn Huỳnh Phúc Điền và ông chủ Viết Tân Studio cũng có mặt ở hàng ghế khán giả. Những âm thanh đầu tiên nổi lên. Một giọt nước khổng lồ xuất hiện, từ từ rơi xuống sân khấu theo đường… màn hình rồi bắn lên thành những giọt nước nhỏ lấp lánh – cùng lúc mình phải bật khỏi số ghế SC5L22 vì khán giả ở các khu vực xung quanh tràn sang, chẳng mấy chốc đã chiếm hết cả những ghế trống phía trước và cả hàng ghế mình đang ngồi. Thôi đành vậy, ít nhất cũng kịp ngắm giọt nước tuyệt to và tuyệt đẹp!

Số ghế tại Rain World Tour
SC5L22

Cuối cùng thì Bi cũng xuất hiện! Thế là lập tức nhào nháo nhao, nháo nhào nhào, hú hú hét hét. Giời ạ, đi xem ở sân vận động, cách để được thấy ca sĩ rõ hơn, không gì khác ngoài màn hình. Thế mà mọi người vẫn cứ đứng hết cả lên, chen chen chúc chúc, làm cái đứa duy nhất không đứng lên, không chen chúc – là mình – thì đến cái màn hình cũng chẳng được nhìn thấy. May thay, sự lộn xộn, nhốn nháo này chỉ kéo dài trong khoảng 10 phút đầu. Sau đấy, trong suốt chương trình, những ai đứng lên lập tức bị bảo vệ chiếu thẳng đèn pin vào mặt hoặc bị người ngồi sau ném bánh mì vào đầu (hihi, người viết không liên quan gì nhé!).

Chương trình kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Vì không hiểu biết gì về Bi nên chẳng biết Bi hát những bài nào, nhưng vẫn ấn tượng ở một điểm, đó là các bài hát ballad, tuy không nhiều nhưng là những điểm nhấn và tạo độ lắng cần thiết cho chương trình, được dịch lời ra tiếng Việt và hiện chữ trên hai màn hình lớn cạnh sân khấu giống như lời dẫn xâu chuỗi các phần từ đầu đến cuối chương trình, khá bất ngờ và thú vị! Và để trả lời cho câu hỏi Bi hát có hay không, thì có lẽ là: Bi hát ổn và nhảy rất ổn, lại cộng thêm cả thế mạnh về ngoại hình (để “ăn” sân khấu), khả năng diễn xuất (để tăng sức nặng cho các video clip) và duyên sân khấu (để hút khán giả) thì chẳng tội gì mà chỉ đứng yên một chỗ để hát hoặc chỉ đứng sau ca sĩ để nhảy. Tóm lại là, mình cảm thấy rất vui và không hề thất vọng khi đã có mặt trong đêm diễn này.

Tất nhiên, nhắc đến thành công của một ca sĩ theo mô hình đa năng như Bi, không thể không nhắc đến sự đóng góp rất quan trọng của các yếu tố phụ trợ và ê-kíp thực hiện từ làm nhạc, dàn dựng vũ đạo, xây dựng kịch bản đến dàn dựng sân khấu, âm thanh, ánh sáng, hình ảnh… Đọc báo mới biết toàn những tên tuổi lừng lẫy thế giới. Nhưng thú thật là với một đứa mù tịt về nhạc quốc tế như mình thì những tên tuổi đẳng cấp thế giới ấy cũng không thể có ý nghĩa bằng những cái tên trong nước như Phạm Hoàng Nam, Huỳnh Phúc Điền, Viết Tân, Ngọc Vũ, Lê Vũ Long, Tấn Lộc… Vì thế mà cứ vô tư xem, vô tư so sánh và thành thật nhận ra rằng mình chẳng hề rơi vào tình cảnh mắt chữ A, mồm chữ O khi xem từ đầu đến cuối chương trình. Dù gì đi nữa, việc biểu diễn ở sân vận động với màn hình lớn, hệ thống âm thanh, ánh sáng hoành tráng, đội ngũ vũ đoàn hùng hậu, sân khấu có bàn nâng/bàn xoay, có thể phun mưa, phụt lửa, bắn pháo hoa… đều đã không còn xa lạ với khán giả Việt Nam qua các chương trình ca nhạc lớn như Duyên Dáng Việt Nam hay liveshow của các ca sĩ Lam Trường, Phương Thanh, Mỹ Tâm… Nhưng mà…

Chưa bao giờ được xem một chương trình ca nhạc nào có sự kết hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả đến thế giữa màn hình với sân khấu thực. Hai màn hình lớn hai bên sân khấu chủ yếu để hiện chữ tiếng Việt cho lời bài hát và lời đối thoại bằng tiếng Anh của Bi với khán giả cùng với nhiệm vụ zoom hình ảnh Bi trên sân khấu; còn những màn hình lớn trên sân khấu lúc biến thành phông nền với những hình khối biến chuyển nhịp nhàng theo điệu nhạc, khi lại làm nhiệm vụ chuyển tiếp Bi giữa ảo và thật. Dường như không có sự phân biệt giữa các video clip được quay từ trước với sân khấu thực; tất cả đều liền mạch, hài hoà về tiết tấu, hình ảnh, nhịp điệu, xoay quanh trục kịch bản chính tạo ra sức cuốn hút khó cưỡng lại được. Và chắc là khó có khán giả nào có thể quên được hình ảnh Bi mặc bộ đồ đen, trên tay cầm bó hồng đỏ thắm, chạy hết tốc lực trên quãng đường dài hun hút dẫn ra… sân khấu hay hình ảnh Bi bay lên cao vút (bằng bàn nâng) và sải rộng đôi cánh thiên thần suốt cả chiều dài sân khấu (bằng màn hình).

Có một điểm nữa mà mình mê tít ở chương trình này là phần vũ đạo, đặc biệt là các động tác tay. Thông thường, các ca sĩ khi vừa hát, vừa nhảy dễ bị rơi vào tình trạng mặt bị đơ và tay như bị thừa. Ở Bi và vũ đoàn của anh hoàn toàn không có tình trạng này, thậm chí các động tác tay được biên đạo rất đẹp, khéo léo nhưng vẫn mạnh mẽ, dứt khoát, linh hoạt và sinh động, nhất là khi cả nhóm vũ công cùng phối hợp thực hiện một tổ hợp động tác nào đó sẽ tạo ra hiệu quả trình diễn rất hút sân khấu. Ngoài ra, việc phối hợp ánh sáng với các động tác của vũ công như khi các vũ công biểu diễn giữa những vòng tròn bằng ánh sáng hoặc biểu diễn trên nền sân khấu tối đen với trang phục có mũ, găng tay và giày được gắn dạ quang, chỉ bằng vài động tác di chuyển, xoay người, quay tay… cũng khiến người xem vô cùng bất ngờ và thích thú!

Nhưng có lẽ điểm làm mình thích nhất ở chương trình này là tính tổng thể và đây cũng là điểm mình thích nhất ở Mỹ Linh Tour ‘06 dù hai chương trình được thực hiện với hai quy mô khác nhau. Để làm tốt, làm kỹ một, hai bài trong chương trình không phải là quá khó, nhưng để có được một chương trình biểu diễn dài 2 tiếng đồng hồ thật tốt thì không thể thiếu tính tổng thể. Chính tính tổng thể giúp kết nối các phân đoạn của chương trình một cách hài hoà, liền mạch; sử dụng các yếu tố phụ trợ một cách hợp lý, hiệu quả và giúp cho ca sĩ cũng như toàn ê-kíp không bị đuối sức và luôn “chắc tay” trong mọi thời điểm dù là bài dễ hay khó, đơn giản hay phức tạp, thông thường hay điểm nhấn. Và đặc biệt là tiết tấu âm nhạc luôn là yếu tố chi phối và là điểm tựa cho các hiệu ứng sân khấu từ những video clips đến ánh sáng, lửa, nước mưa, pháo hoa… bắt đầu/kết thúc/trình diễn tạo nên hiệu quả xúc tác rõ ràng và không bị sa đà theo kiểu “biểu dương lực lượng” như nhiều chương trình ca nhạc Việt Nam vẫn mắc phải.

À, còn chuyện này vui này! Sau hai đêm diễn của Bi, có không ít bài báo “ca cẩm” Bi biểu diễn quá sexy và tỏ ra ái ngại cho văn hoá nghe – nhìn của giới trẻ Việt khi nhất cử, nhất động của Bi trên sân khấu đều được các fans tung hô nhiệt liệt. Hìhì, mình lại chẳng thấy thế. Hay tại mình trong sáng nên xem Bi biểu diễn một cách trong sáng, còn các nhà báo có nhiều trải nghiệm nên xem Bi dưới một góc nhìn khác, kiểu như bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng ý! Chỉ có điều, có lẽ các nhà báo đứng quá sát sân khấu nên không nhận ra rằng, dù các fans Việt tung hô thần tượng rất đúng công thức: Bi xuất hiện – hét, Bi bỏ kính – hét, Bi cười – hét, Bi kéo áo – hét to thôi rồi, làm lúc đầu mình cũng choáng, nhưng càng về sau, những tiếng hô theo công thức ấy càng yếu ớt và thưa dần. Còn những khi có một giai điệu hay, một nhịp điệu sôi động, một hình ảnh đẹp hiện diện trên sân khấu, thì chẳng cần ai bảo ai, cứ thế tiếng hò reo, tiếng vỗ tay, những làn sóng cánh tay cứ theo nhau chạy dài suốt các khán đài trên sân vận động. Đã lắm ý!

Chương trình kết thúc lúc 22h10, sau ba phần chính tạm đặt tên là Sexy & Nước (toàn bài ngọt ngào), Rượu & Lửa (múa mãi mới hát nhưng mang đậm màu sắc Hàn), Quân phục & Thiên thần (mạnh mẽ và đẹp lung linh) và 2 bài bonus (thân thiện và đầy lưu luyến).

Phải mất 10 phút mới thoát ra được khỏi Sân vận động Quân khu 7 và vẫy được một chiếc taxi sau gần 15 phút nữa kiên nhẫn xếp hàng. 23h về đến khách sạn. Buồn ngủ ríu cả mắt!

Ngày 11/3

7h chuông báo thức réo. Ngột ngạt! Tối om! Cứ tưởng mới 3, 4h sáng nhưng hoá ra là 7h thật. Đang đánh răng, rửa mặt thì papa gọi điện đánh thức con gái vì sợ con gái ngủ quên, lại lỡ mất chuyến bay lúc 10h30. Khổ, cũng một rổ tuổi rồi chứ còn bé bỏng gì nữa đâu, thế mà chỉ xa nhà chưa đầy 24 tiếng đồng hồ vẫn làm cả nhà phải lo cuống lên, đến là ngại (nhưng mà vẫn thích)!

11h máy bay cất cánh, bị trễ nửa tiếng do máy bay từ Đài Bắc về muộn. Mệt, ngủ thiếp đi một lúc rồi tỉnh hẳn. Nghe nhạc. Phát hiện ra ngồi trên trời nghe nhạc rất khoái, dù tiếng động cơ máy bay vẫn ầm ì bên tai, nhưng mình có thể dí mặt vào cửa sổ để ngắm trời ngắm đất, ngắm cánh máy bay và tha hồ tưởng tượng lung tung, thậm chí có lúc nhìn xuống đất lâu quá thỉnh thoảng còn giật mình sợ ngã.

13h máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Trước khi hạ cánh, cơ trưởng thông báo Pacific có xe bus miễn phí đón khách về Hà Nội, vậy là đi theo mọi người ra xe, cũng phải chờ khá lâu xe mới chuyển bánh. Cuối cùng thì 14h hơn cũng về đến điểm đón/trả khách của Pacific trên đường Kim Mã. Cảm giác thật dễ chịu! Thênh thang thời gian, thênh thang sự thân thuộc! Suốt cả chuyến đi đã tự cho phép o bế bản thân hết mức bằng cách di chuyển bằng taxi, còn bây giờ thì… quyết định phớt lờ mọi anh taxi, mọi chàng xe ôm và đi bộ về nhà, dù quãng đường không phải là ngắn. Mệt bã người! Nhưng ấm lạ!

Không phải lần đầu tiên đi xem ca nhạc một mình nhưng là lần đầu tiên đi xem ca nhạc một mình ở Sài Gòn. Không phải lần đâu tiên vào Sài Gòn nhưng là lần đầu tiên vào Sài Gòn một mình và phải tự lo từ A-Z. Cũng may, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Không bị say máy bay. Không gặp trục trặc về vé xem biểu diễn và phòng khách sạn dù mọi giao dịch trước đó đều thực hiện qua điện thoại, internet và chuyển khoản. Lại còn tiếp thu được thêm hai “công nghệ” mới là “công nghệ” hàng không giá rẻ (Pacific Airlines) và “công nghệ” book vé xem ca nhạc qua mạng (Golwow). Nhưng chiến tích lớn nhất của mình lần này là đã dám tự tay cầm giày đập nát toét một con gián can tội lượn lờ trong buồng tắm ở khách sạn. Ai bảo lượn đâu không lượn lại đi lượn lờ ở cái chốn riêng tư ấy thì bị đập cho là phải!

Hì, vậy là kết thúc tốt đẹp một chuyến đi, dù ngắn nhưng cũng mất gần 2 tuần để chuẩn bị, và ngốn của mình ngót nghét 2 tháng lương dù đã có ý thức “quy hoạch” chi tiêu. Lịch sử đã sang trang! 06/07 Rain World Tour in HCM City đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong “sự nghiệp” đi xem ca nhạc của mình. Mơ đến một ngày mặc quần đùi, áo may ô, cưỡi xe bò đi xem ca nhạc ở Thái Lan, ở Singapore, ở Hồng Kông, ở Trung Quốc, ở vân vân và vân vân