Vậy là đã tròn 1 năm kể từ ngày đón em DGX-620 về nhà. Kiểm kê lại thấy mình có nhiều đàn ra phết
Đầu tiên là một em đàn màu hồng, dạng ví gập, chỉ bé bằng bàn tay, rất xinh. Phím đàn chỉ là những phím bấm hình chữ nhật nhỏ xíu có ghi tên nốt nhạc bên trên. Thế mà cũng có 2 bài tủ là Làng tôi và Bé bé bằng bông hẳn hoi
Em thứ hai hình như của Casio, màu đen. Em này thì ra dáng một cây đàn hơn vì có phím đàn nghiêm chỉnh, kèm theo một vài demo song, vài voice và style khác nhau để lựa chọn. Chỉ có điều không có chức năng đệm tự động. Nhưng như thế cũng đủ để mò mẫm một vài bài cô Ái Vân hay hát (hồi đó mê cô Ái Vân, chứ Thanh Lam với Hồng Nhung mới chỉ được xếp loại ca sĩ trẻ thôi ), nhất là một bài có đoạn (không nhớ tên bài hát) Ta về đây hôm nay trên quảng trường Ba Đình, cùng dâng lên Bác kính yêu quyết tâm luyện rèn
Mà sự xuất hiện của em đàn này rất lạ. Ông ngoại của chị hàng xóm mất. Lúc sang thắp hương cho ông, mình có xin ông phù hộ cho mình có một cây đàn. Thế mà một tuần sau, dượng L đi công tác về, mình có em đàn này thật
Em thứ ba là em PSS-390 của Yamaha, được papa đèo lên Hàng Trống để mua. Có cả hộp đàn bằng gỗ, bọc da đen, in chữ Yamaha nổi rất đẹp. Em này là niềm mơ ước của mình từ hồi cuối cấp 1, khi trong lớp có 1 bạn có cây đàn này và hầu như tuần nào mình cũng cùng với gần chục đứa nữa trong lớp kéo đến nhà bạn ấy để chiêm ngưỡng. PSS-390 là loại đàn phím nhỏ nhưng có nhiều voice, style, demo song và chức năng đệm tự động, chỉ thiếu giá để nhạc. Sau này đi học, phải ra chỗ thợ sắt đặt người ta làm, rồi về lấy len quấn vào cho khỏi xước mặt đàn khi lắp vào.
Kể từ khi có em PSS-390, mỗi lần được vào Sài Gòn thăm ông bà nội là cơ hội để được lặn ngụp trong Nhà sách Nguyễn Huệ rồi ôm về cả đống sách dạy đàn organ của Ngô Ngọc Thắng (Lý thuyết và thực hành trên đàn organ, Những tác phẩm hay và dễ cho đàn organ và piano), Phạm Kim (Những giai điệu xanh), Lê Vũ – Quang Đạt (Phương pháp học đàn organ keyboard, Độc tấu trên đàn organ keyboard), tuyển tập các bản nhạc dành cho piano của Richard Clayderman, Paul Mauriat… Vì không có người hướng dẫn, chỉ tự mua nên có cả sách hay lẫn sách không hay lắm Nhưng chính từ những quyển sách này mà mình đã biết sử dụng chức năng đệm tự động dù chỉ biết đánh hợp âm ngón đơn, biết vừa nhìn bản nhạc vừa đánh đàn mà không cần phải nhìn xuống tay (Chẳng biết làm được như vậy có khó không mà sau này khi học đàn, thầy giáo cứ khăng khăng là mình phải đi học đàn ở đâu rồi mới làm được như vậy. Y như cô giáo lớp 3, chẳng may một lần được cô chấm điểm 10 vẽ, đến khi ghi vào sổ điểm, cô cứ ngần ngừ mãi vì “không đi học vẽ thì làm sao vẽ được thế”!!!
).
Lận lưng được 2 bài tủ là Jingle Bells và Love is blue, đến hè năm học lớp 9, trên đường đi học về mấy lần để ý thấy có một lớp dạy nhạc ở gần nhà. Thế là tự động đến xin học. Tự đi xe đạp chở em PSS-390 đi học, được 3 tháng lấy tiền mừng tuổi trả học phí thì hết tiền, lúc đấy mới khai báo với bố mẹ để xin tài trợ Học được một thời gian ngắn thì thầy giáo yêu cầu đổi sang loại đàn khác, có phím to và nhiều chức năng hơn. Băn khoăn không biết chọn loại đàn nào, rất hồn nhiên gửi thư đến địa chỉ in trên cuốn Giai điệu xanh để tâm sự và hỏi han. Kết quả là được đại diện Công ty Đức Tín gửi thư tay hướng dẫn chọn một cây đàn của Casio và tặng cuốn Những bản nhạc hay Organ Festival ’93
Nhưng sau đấy, theo lời thầy giáo, đã mua em đàn thứ tư, cũng của Yamaha là em PSR-410 và gắn bó với thương hiệu Yamaha đến tận bây giờ.
PSR-410 là loại đàn với 61 phím có kích thước bằng phím đàn piano; demo song, voice, style phong phú; chức năng dual voice và record tiện dụng. Lại có cả giá nhạc kèm theo đàn. Vì em này to hơn em PSS-390 nên khi mua đã mua kèm thêm chân đàn, không kê đàn lên ghế như trước nữa. Đây là em đàn ghi dấu 4 năm học tập nghiêm chỉnh với số lượng bài vở kha khá, từ những bài đơn giản chỉ cần tập trong 1, 2 tuần đến những bài phức tạp phải tập hàng tháng trời mới xong. Trong thời gian này đã tập được nhiều bài hay, mình rất thích như Toccata, The Last Waltz, Le beau Danube bleu… và kết thúc ở Czardas khi quá 3 tháng vẫn chưa thanh toán được bài này Chỉ tiếc là bây giờ đã bị mất 2 quyển sách nhạc có rất nhiều bài hay
Sự nghiệp học hành tạm ngưng vào cuối cấp 3 để tập trung ôn thi tốt nghiệp và thi Đại học. Khoảng 1 năm sau quay lại học thì đổi sang em PSR-520, không nhớ lý do vì sao phải đổi nhưng so với em PSR-410, em PSR-520 có voice và style hay hơn hẳn. Một phần cũng do thân đàn dày hơn nên cặp loa khủng hơn, giúp cho chất lượng âm thanh tốt hơn. Ngoài ra còn có màn hình lớn hiển thị thông số khi điều chỉnh voice, style hay record, trông rất hiện đại nhưng cách sử dụng hơi phức tạp.
Em PSR-520 có một đời sống khác, không gắn với sự nghiệp học hành mà là hoạt động xã hội. Sinh viên mà, cũng tập tành ban nhạc này nọ dù chẳng đâu vào đâu. Cũng đôi lần cõng em đến trường tham gia văn hoá văn nghệ. Oách nhất là lần nhận được cát-sê 100,000 đồng khi đệm đàn cho một buổi hát hò gì đấy của khoa, dĩ nhiên là bạn cô giáo phải kè kè bên cạnh để hướng dẫn tập luyện và cứu nguy tại trận khi cần. Sau khi tốt nghiệp, đi làm, cũng không còn học đàn nữa, chỉ thỉnh thoảng lấy ra chơi cho vui thôi. Các bản nhạc đã tập cũng rơi rụng dần theo thời gian. Đến khi chia tay em PSR-520 thì gần như là mù nhạc trở lại
Trong 5 em đàn đã sử dụng thì thương nhất em này 4 em trước mình đều giữ gìn rất cẩn thận, vậy mà đến em PSR-520 thì lại để pin chảy (đồng cảnh ngộ với 1 em máy ảnh và 1 em CD Player), làm hỏng mất 8 phím cuối và lọt khí màn hình. Xót không chịu được! Cũng may, trong lúc đang tìm nơi bán lại em PSR-520 thì dì V lại đón em ý về nhà
Tuy không còn hoàn chỉnh như trước, nhưng voice, style, chức năng đệm tự động và record vẫn hoạt động tốt nên dì V vẫn có thể sử dụng để tự đánh những bài hát yêu thích được.
Năm ngoái, muốn tập đàn lại. Vào website của Yamaha ngâm cứu thì thấy không còn thích loại đàn 61 phím như trước đây nữa mà acoustic piano thì lại không đủ tiền mua. Cuối cùng quyết định sẽ mua electronic piano. Được sự khuyến khích của mama, mình cũng chọn được một em Clavinova khá hay ho, màn hình màu, voice và style phong phú, có chức năng karaoke, có thể kết nối internet không cần qua PC… Lên ebay khảo giá thì em nó đâu chừng 5,600$ Thế mới biết mình cũng khéo chọn đàn thật
Với số tiền này, mình dư sức rinh được một em acoustic piano ngon lành về nhà. Nhưng vì điều kiện chưa cho phép nên ngó đi ngó lại một hồi, đã chấm được em DGX-620. Thiết kế lạ mắt (nhất là khi cắm thêm em FC4 vào), màu sắc lại phù hợp với đồ gỗ trong phòng mình, voice, style và music database phong phú, có thể mở rộng từ các nguồn bên ngoài qua USB và PC, có thể record và xuất ra file midi để nghe trên PC. Hơn nữa, em DGX-620 thuộc dòng Portable Grand của Yamaha với đủ 88 phím như đàn piano, phím đàn cũng dày và nặng hơn với 4 chế độ Touch Response, cho cảm giác gần với đánh đàn piano hơn.
Chấm là chấm vậy thôi chứ khi ra cửa hàng xem tận nơi, thấy em P-85 đen sần, trông rất ngầu, phím nặng trịch, lại thích, và đã đặt tiền để lấy em này Sau đó phải hỏi ý kiến bạn cô giáo rồi mới quyết định đón em DGX-620 về nhà. Thế mà nào đã được yên. Được vài ngày lên internet lại thấy thông tin về dòng DGX-630 mới xuất xưởng, về cơ bản tính năng cũng giống DGX-620, nhưng lại có thể chọn thêm em LP-7 (three piano-style pedals) kèm theo đàn. Thế là lại tính tính toán toán. Nhưng suy cho cùng, dù có thêm em LP-7 thì em DGX-630 cũng không thể trở thành một cây đàn piano được. Mà việc gì phải bắt em DGX-620 của mình phải trở thành một cây đàn piano trong khi em ý đã là một cây home keyboard rất tốt
Vậy là qua bao nhiêu trắc trở, mình cũng đã chọn được em đàn thứ sáu và bắt đầu tập đàn trở lại Mục đích cũng chỉ đơn giản và gần gũi thôi: lèng phèng được những bài hát yêu thích, dăm ba bản nhạc phim Hàn Quốc và nhạc phim hoạt hình Walt Disney. Thế là vui rồi!