BSB’s This Is Us – Trái tim bên lề


Bằng chứng cho sự bên lề: Bài hát cuối chương trình, nhóc em họ quay xuống hỏi “Bài này là bài gì hả chị?”, mình vừa trả lời “Chị không biết!” thì lập tức được bạn bên cạnh ném cho ánh mắt hình viên đạn và nói gần như hét vào mặt mình “Straight Through My Heart!”. Ngượng hết cả người

Thật sự, mình không phải là fan của Backstreet Boys. Biết đến BSB cũng như từng biết đến những boysband khác cùng thời như Boyzone, Westlife, N’Sync. Cũng biết Nick Carter , cũng biết tên dăm ba bài hát, thuộc nhạc dăm ba bài, và bập bõm hát theo được vài ba câu là hết vốn Bởi vậy mình cũng tự cảm thấy thiệt thòi khi không có được cái cảm giác xốn xang trở lại tuổi thơ với những tháng ngày lớn lên cùng ban nhạc như nhiều bạn khác. Bù lại, không phải mang theo chút tổn thương hay sứt mẻ nào về nhà vì sự xuống sắc và sút giảm phong độ của các chàng BSB so với thời kỳ đỉnh cao của mười mấy năm về trước Tóm lại là một lần đi xem ca nhạc! Có khác chăng là chương trình của ca sĩ nước ngoài.

Với vị thế bên lề theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen (mình ngồi ở khán đài C), thẳng thắn mà nói, âm thanh, ánh sáng của chương trình chưa đủ mạnh để “bao sân” không gian rộng lớn của sân vận động Mỹ Đình. Ánh sáng chủ yếu tập trung cho khu vực sân khấu và sân cỏ, khán đài ở xa và góc nhìn hẹp nên không thưởng thức được gì nhiều, ngoại trừ một đôi lần đánh đèn pha dài xuống tận khán đài khi BSB di chuyển về các hướng kêu gọi khán giả cùng hát. Màn hình bố trí hai bên sân khấu cũng chẳng hỗ trợ được gì nhiều và có lẽ chỉ phát huy tác dụng với khán đài A, ở góc nhìn trực diện lên sân khấu. Âm thanh, ở vị trí ngồi của mình, 15 phút đầu rất tốt, nhưng về sau lại bị bạt tiếng, chỉ nghe rõ vocal, còn nhạc thì chẳng sướng tai chút nào. Ức nhất là lúc thấy rành rành anh DJ múa dùi trống tít mù trên sân khấu mà âm thanh lại bay đi tận đâu. Đoạn này âm thanh mà tốt thì phê chết thôi

Bỏ qua vấn đề âm thanh, ánh sáng chưa đủ đã tai, đã mắt với khán giả ở những vị trí khác nhau trên sân vận động thì điểm được nhất của chương trình là This Is Us tại Việt Nam được làm theo format chuẩn của This Is Us Tour, từ mô hình thiết kế sân khấu, kịch bản chương trình, danh mục bài hát, những hiệu ứng video và những đoạn video clip mà 4 chàng BSB lần lượt hoá thân thành nhân vật chính trong những trích đoạn phim nổi tiếng, cho đến biên chế ban nhạc rút gọn chỉ với duy nhất một DJ. Chẳng mấy khó khăn để tìm được những đoạn ghi hình tour diễn của BSB ở những địa điểm khác trên thế giới để so sánh.

Ngoài ra, có ba điểm mình rất thích ở chương trình này.

Đầu tiên là khán giả. Báo chí có ì xèo thế nào đi chăng nữa thì cái cảm giác ngồi giữa một không gian rộng lớn mà nhìn trước, ngó sau, ngoảnh sang trái, sang phải và cả phía sân cỏ xa xa đều thấy chật kín người nó khó tả lắm. Hơn thế nữa, vì đây là chương trình riêng của BSB, nên phần lớn khán giả là fan ruột. Mà đã là fan thì việc hô tên ban nhạc hay hát theo đầy hào hứng hết bài này sang bài khác chỉ là chuyện nhỏ thôi

Kịch bản chương trình cũng là một điều làm mình thích thú. Có cảm giác như đang ngồi trong rạp (cái rạp này hơi bị lớn ) xem phim 4D mà không cần đeo kính vậy Ánh sáng xung quanh dần tắt. Màn hình bừng sáng. 4 chàng BSB lao ra từ màn hình, trình diễn ngay trước mắt bạn, gần gũi đến mức có cảm giác như có thể chạm tay vào được (đoạn này là tưởng tượng ). Kết thúc chương trình, 4 nhân vật chính quay lưng, đi vào trong màn hình và biến mất. Đèn bật sáng trở lại. Những dòng chữ trắng chạy ngược trên màn hình giới thiệu lần lượt thành phần ê-kíp thực hiện chương trình trên nền nhạc DJ đang chơi. Không cầu kỳ, hoành tráng, chỉ đơn giản thôi nhưng vừa vặn, chặt chẽ và làm người ta nhớ!

Nhân vật mình thích nhất trong chương trình là anh DJ, đóng vai trò như người kể chuyện, dẫn dắt khán giả từ bài này qua bài khác, cả cũ lẫn mới và không một phút ngưng nghỉ. Cũng nhận ra được Everybody, I’ll Never Break Your Heart, Larger Than Life, As Long As You Love Me, I Want It That Way và thích PDA, This Is Us, Straight Through My Heart – những ca khúc mới trong album This Is Us. Đặc biệt thích biên chế ban nhạc rút gọn theo kiểu band-in-a-box (không phải từ chuyên môn mà là tên của một phần mềm âm nhạc thấy hợp người hợp cảnh nên mượn tạm ) rất độc đáo và cơ động cho một tour diễn dài ngày như This Is Us và phù hợp với tính chất âm nhạc của BSB. Có báo than thở BSB không hát với ban nhạc live mà hát trên nền nhạc đĩa khiến mình cũng có cảm giác hoài nghi “tiền nào của nấy” Nhưng với một DJ vừa mix nhạc, vừa chơi trống, vừa thêm thắt hiệu ứng âm thanh trực tiếp trên sân khấu chất lượng như vậy không phải là live thì là gì? Tiếc là ngồi xa quá nên không zoom được vào anh DJ này!

Nhưng quan trọng và thực tế nhất là, mình không cảm thấy… tiếc tiền dù chỉ 1 ngày ngay sau đêm diễn đọc đâu cũng thấy nhan nhản tin vé BSB rớt giá thê thảm trước giờ diễn Xa xôi hơn, dù giới truyền thông và khán giả có nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược về This Is Us – Vietnam Tour vừa qua thì mình vẫn đọc hoặc nghe được ở đâu đó những câu đại loại như “lần sau nếu có show quốc tế nhất định sẽ đi xem”. Vậy thì không thể không cảm ơn nhà tổ chức/sản xuất đã can đảm đưa This Is Us đến với khán giả Việt Nam. 5-10 năm nữa nhìn lại sẽ thấy chẳng thể nào quên được những lần rất đầu tiên như thế này!

Trở lại một chút với vấn đề bên lề Dù không phải là fan của BSB, nhưng dĩ nhiên, cái tên này là một phần không thể thiếu của lý do khiến mình quyết định mua vé đi xem. Phần còn lại của trái tim thuộc về nhà tổ chức và giám đốc sản xuất phía Việt Nam – Water Buffalo Productions (WBP) và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

Là khán giả nhưng mình hay tò mò mấy cái vụ “bếp núc” này lắm, mặc dù nhiều khi cũng chỉ là nhặt thêm một, hai cái tên cho vào bộ nhớ Giống như trước đây cũng từng chú ý đến MC Anh Tuấn với vai trò giám đốc sản xuất phía Việt Nam cho tour diễn của Bi Rain hay show Hennessy Artistry, và gần đây nhất là thông tin Hà Anh Tuấn hé mở trong một bài phỏng vấn về vai trò nhà sản xuất concert quốc tế tại Việt Nam trong năm 2011. Về nhà tổ chức vì phần lớn công việc của họ thuộc về hậu trường nên mình không rành, nhưng với những nhà sản xuất đã nhắc tên ở trên – toàn là những tên tuổi sáng láng của showbiz Việt thì rất hy vọng chính họ, sau những kinh nghiệm trực tiếp tham gia sản xuất chương trình với các ca sĩ, ban nhạc quốc tế, sẽ có những tác động nào đó ngược trở lại nền âm nhạc nước nhà trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn.