Sao Mai Điểm Hẹn 2012 – Show 7 (Hát với nhóm bè)


Hát với nhóm bè – thử thách thứ 2 mà các thí sinh SMĐH phải trải qua. Cũng giống như thử thách hát tiếng Anh ở show trước, các thí sinh mỗi người có một lựa chọn. Người chọn thử thách làm tiết mục đinh, và ngược lại, cũng có người lấy ca khúc tự chọn làm tiết mục đinh.

Với thử thách hát với nhóm bè thì mình thích Em Sẽ Là Giấc Mơ của Phú Quý và Con Ma của Việt Anh. Em Sẽ Là Giấc Mơ được dàn dựng theo phong cách acapella kết hợp với beatbox mang lại nhiều bất ngờ cho phần trình diễn của Phú Quý. Con Ma được dàn dựng theo hơi hướng nhạc kịch, sự kết hợp của nhóm bè cùng giọng hát khoẻ khoắn của Việt Anh tạo nên một không gian âm nhạc dày dặn với nhiều lớp âm thanh đan chéo nhau. Cả hai tiết mục đều tạo được hiệu ứng khi dàn dựng với nhóm bè, có sự tương tác qua lại giữa phần hát chính và phần bè chứ không đơn thuần hát bè chỉ là phụ, có hay không cũng không quan trọng.

Trong các tiết mục tự chọn thì chú ý đến Giọng Mưa Đàn Bà của Nguyễn Đình Thanh Tâm. Thích lúc Thanh Tâm tách khỏi “chiếc bóng” trên tấm phông trắng để bước ra sân khấu (dù góc quay và ánh sáng chưa đẹp). Còn bài hát thì thuộc diện không thể ngấm ngay được chỉ sau một lần xem truyền hình trực tiếp, mà có nghe đi nghe lại nhiều lần thì cũng chưa chắc đã thích. Mình chỉ thích có đoạn kết, từ lúc “a ha a hà” trở đi. Kỳ lạ một điều, mọi người cứ bảo Thanh Tâm hát giống Tùng Dương, nhưng càng nghe mình lại càng thấy giống Quang Linh, nhất là ở những quãng cao của những bài tiết tấu chậm, nghe rõ lời như Ngẫu Hứng Phố và Giọng Mưa Đàn Bà.

Sau đêm diễn này có chút xôn xao khi Ngây Thơ được Đông Hùng chọn dự thi trong SMĐH trong khi tác giả Tạ Quang Thắng đang có một dự án riêng và không muốn cho người khác sử dụng ca khúc này. Hơi bất ngờ khi đọc được một phần ý kiến của Trưởng BTC SMĐH Huyền Thanh về việc này trên báo Thể thao & Văn hoá như sau: “Rút kinh nghiệm cho những chương trình sau, BTC chúng tôi sẽ yêu cầu các thí sinh phải chủ động liên hệ với tác giả trước khi đăng kí bài thi, nhất là xin phép hát những ca khúc độc quyền và mỗi thí sinh sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này”.

Thử search thông tin về American Idol thì thấy việc này hoàn toàn thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất. Trước mỗi tuần thi, sẽ có một danh sách bài gợi ý cho các thí sinh lựa chọn, là những bài mà American Idol có quyền sử dụng (bao gồm quyền biểu diễn – qua thoả thuận đã ký với 2 tổ chức quyền biểu diễn chính của Mỹ là ASCAP và BMI, và quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong chương trình ghi hình – qua giấy phép được cấp bởi các nhà xuất bản âm nhạc). Các thí sinh cũng có thể chọn bài ngoài danh sách, nhưng phải có bài hát dự phòng và chấp nhận rủi ro khi nhà sản xuất không thoả thuận được quyền sử dụng ca khúc với các bên liên quan.

Dĩ nhiên, với thực tế bản quyền âm nhạc còn đang “loạn cào cào” như ở Việt Nam, nếu thí sinh có đủ lực và quan hệ để trực tiếp xin bài từ tác giả thì không còn gì bằng. Dù chỉ được phép sử dụng trong thời gian thi SMĐH thì ít nhất cũng chủ động được bài vở và được hát bài mình thích mà không gặp phải những rắc rối về bản quyền. Tuy nhiên, xét cho cùng, đây vẫn là phần trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất và thử hỏi, trong số các thí sinh dự thi, có bao nhiêu người được nhạc sĩ giao bài tận tay để đi thi như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Trung Quân với nhạc Lê Minh Sơn trong SMĐH; hay có điều kiện đặt hàng nhạc sĩ sáng tác bài riêng để đi thi như Huy Quyết trong Sao Mai 2011?