Bảy rưỡi tối xách xe đi xem sương sớm.
Vừa vào đến nơi được phát cho một đôi đũa cả, có cả bánh nữa nhưng đông quá không chen vào được nên thôi, tung tẩy xách đũa đi lên gác.
Vẫn còn vắng người. Ngồi một lúc thì nhận ra xung quanh là tiếng côn trùng rả rích.
Tiếng gà gáy sáng vang lên. Sương giăng mờ trước mặt. Phải căng mắt ra mới thấy thấp thoáng những bóng người cúi lom khom, tay buông thõng, tản dần ra, lặng lẽ.
Tiếng nước nhỏ giọt trong veo.
Thoang thoảng hương xả. Tiếng chuông ngân, trong và ấm. Mỗi lần đánh chuông là một nốt nhạc vang lên. Bên trái. Bên phải. Phía trước. Phía sau. Khi xa. Khi gần. Cảm giác như đang ngồi giữa tâm của một hệ thống âm thanh vòm.
Gió cuồn cuộn thổi. Từng đám lá khô bốc lên.
Những người phụ nữ. Những tiếng kêu. Những người phụ nữ đi guốc ngược.
Một ngày mới. Tiếng quét dọn. Tiếng đập lúa rộn ràng. Tiếng cười đùa lanh lảnh dần xa.
Tiếng đàn tranh trong vắt. Những tạo hình tuyệt đẹp.
Người giơ tay hứng. Những hạt gạo trắng muốt.
…Tiếng đập lúa rộn ràng. Niềm vui lấp lánh trong tiếng cổ vũ không ngớt của khán giả, trên gương mặt lấm tấm mồ hôi của diễn viên và trong sự xúc động đến lúng túng của đạo diễn.
Lần đầu tiên đi xem múa! Run ra phết vì không biết có hiểu gì không, có mua vé nhầm chỗ không, có chẳng may có hành động gì kỳ quặc làm ảnh hưởng đến những khán giả am hiểu xung quanh không. May thay mọi việc đều suôn sẻ.
Được dàn dựng và thể hiện bởi vũ đoàn Arabesque, Sương sớm ban đầu chỉ có thời lượng 20 phút nhưng được bổ sung, điều chỉnh dần sau mỗi buổi trình diễn và trở thành vở múa dài 1 tiếng 20 phút với bảy màn: Ra đồng – Hương chùa – Mùa – Đêm – Được mùa – Lụa – Gạo với chủ đề xuyên suốt là cuộc sống của những người nông dân miền quê Nam Bộ. Có những phần xem chẳng hiểu gì nhưng mình thích ba màn cuối vì hoặc là rất “người thật việc thật”, diễn viên muốn múa gì thì múa, chỉ cần nhìn vào đạo cụ là hiểu được nội dung (Được mùa, Gạo); hoặc là múa quá đẹp, chẳng cần hiểu nội dung là gì vẫn không thể nào rời mắt (Lụa).
Mình thích cái tiết tấu vui tươi, rộn ràng được tạo ra từ những dụng cụ đập lúa bằng tay trong Được mùa. Thích hình ảnh đẹp đến ngỡ ngàng khi những người nông dân ngửa mặt lên trời, giơ tay hứng những hạt gạo trắng muốt tuôn rơi trong màn kết – Gạo. Còn Lụa có thể coi là điểm nhấn sâu sắc nhất của cả vở múa. Nếu như ở các màn còn lại, hầu hết diễn viên múa trên nền nhạc được thu âm trước, thì với Lụa, khán giả được đồng thời thưởng thức hai màn trình diễn xuất sắc – tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng và phần múa đôi của hai nghệ sĩ múa Ngọc Khải và Tố Như. Tiếng đàn tranh trong vắt vừa dẫn dắt, vừa nương theo múa, khi bổng khi trầm, khi khoan khi nhặt. Người không biết gì về múa là mình chỉ còn biết nín thở dán mắt dõi theo từng động tác của hai diễn viên trên sân khấu. Và phát hiện ra điểm mình thích nhất ở múa đương đại là sự cân bằng giữa người nam và người nữ. Người nam vẫn là cột trụ, là điểm tựa nhưng người nữ cũng phải có sức mạnh, sức bật và sự dẻo dai để cùng kết hợp tạo nên những chuyển động và tạo hình tuyệt đẹp, đặc biệt là những động tác treo.
Ngoài múa, mình còn thích Sương sớm ở… âm nhạc. Không hiểu gì về múa nên mình phải dựa vào sự dẫn dắt của âm nhạc để cảm nhận và thật bất ngờ phần âm nhạc của Sương sớm quá tuyệt vời, không khác gì soundtrack của một bộ phim. Không phải là sự nhặt nhạnh, lắp ghép rời rạc từ những bản nhạc hay ca khúc có sẵn, âm nhạc của Sương sớm được soạn riêng cho vở múa và phát triển theo nội dung từng màn. Âm nhạc không khi nào tách rời chất liệu dân gian Nam Bộ nhưng cũng rất hiện đại về nhịp điệu, tiết tấu, sự chắt lọc âm thanh, sự kết hợp giữa nhạc nền thu sẵn với biểu diễn trực tiếp trên sân khấu, và không biến múa đương đại thành… múa dân gian. Và không chỉ có âm nhạc, cách bài trí sảnh nhà hát, thiết kế sân khấu, phục trang, ánh sáng cũng làm mình thích thú không kém.
Có một điều thú vị và giúp mình trút được gánh nặng của người không biết gì về múa mà lại đi xem múa là chương trình có tính tương tác rất cao với khán giả và họ rất khéo léo trong việc lôi kéo khán giả nhập cuộc. Ví như đôi đũa cả được phát ở ngoài sảnh, vừa là lời chào đầu tiên lúc mới đến còn đang ngơ ngác, vừa là bạn đồng hành giúp mình nhập cuộc dễ dàng khi chương trình diễn ra, vừa là một món quà lưu niệm với tên chương trình và logo của Arabesque được khắc trên thân đũa. Hơn thế nữa, 45 phút hỏi đáp trực tiếp giữa khán giả với đạo diễn, biên đạo, diễn viên tham gia chương trình sau khi vở múa kết thúc đã giúp mình hiểu hơn về nội dung của vở múa, những hình ảnh ẩn dụ, và cảm nhận được chủ đề cuộc sống miền quê Nam Bộ không phải được xây dựng bằng tưởng tượng mà bằng những tình cảm, ký ức, sự trải nghiệm có thật từ những người thực hiện. Thiếu đi những yếu tố đó, chương trình chắc chắn không thể có được sự chắt lọc tinh tế và sự tổng hòa xuyên suốt, trọn vẹn đến thế giữa không gian biểu diễn, âm nhạc và múa.
Còn nhớ khi xem những chương trình biểu diễn nghệ thuật ở công viên Trung Hoa Cẩm Tú tại Thẩm Quyến mình đã ước Việt Nam cũng có những chương trình hay như thế để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam với khách du lịch. Sương sớm đã làm được điều đó, không chỉ với khách du lịch mà với ngay cả người bản xứ như mình. Mong là Việt Nam sẽ có thêm nhiều chương trình như thế này và mong là mình sẽ có cơ hội xem thêm những vở múa khác của Arabesque.
Vẫn còn ấm ức vì không biết trước những loại bánh được phục vụ đầu chương trình chính là những loại bánh mà người nông dân Nam Bộ thường dùng cho bữa xế (bánh bò, bánh tét chuối…) để mà chen chân vào nếm thử cho biết mùi vị. Lần sau sẽ rút kinh nghiệm, đi xem chương trình của Arabesque là phải chuẩn bị tinh thần nhập cuộc ngay từ đầu và đừng bỏ qua bất cứ chi tiết nào, vì chỉ cần đặt chân vào sảnh nhà hát chương trình đã chính thức bắt đầu.
Trailer: