Hồ thiên nga (VNOB)

Vở ballet Hồ Thiên Nga do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng

Tình cờ xem một buổi phỏng vấn của Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật trên VTV3 mà biết đến vở ballet Hồ thiên nga đang được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) dàn dựng. Thế rồi cũng quên bẵng đi mất cho đến khi thấy bạn bè chia sẻ sự kiện buổi diễn mới tìm mua vé. Vé Nhà hát đã hết từ lâu nên chuyển sang mua vé của buổi diễn tăng cường do một công ty sự kiện tổ chức.

Hồ thiên nga được VNOB dàn dựng trong khuôn khổ những hoạt động chào mừng 60 năm thành lập Nhà hát. Quy mô nhỏ nhưng làm theo phong cách chuẩn mực: sử dụng chế tác sân khấu và biểu diễn cùng dàn nhạc.

Ấn tượng đầu tiên là sân khấu và phục trang có thiết kế riêng, xuyên suốt. Tuy chưa lộng lẫy hay hoành tráng nhưng đủ đẹp và đủ rõ để khán giả hình dung được vai trò, vị trí của các nhân vật và bối cảnh diễn ra câu chuyện. Sân khấu nhỏ vẫn có chia lớp, thể hiện được song song diễn biến chính và chi tiết phụ họa.

Vở ballet gồm bốn màn. Màn 1 là không khí vui tươi, rộn ràng chuẩn bị cho lễ mừng sinh nhật của hoàng tử Siegfried. Màn 2, hoàng tử gặp công chúa Odette (thiên nga trắng) bên hồ thiên nga và biết về lời nguyền của phù thủy Rothbart đối với nàng nhưng hai người bị phù thủy Rothbart chia cắt. Màn 3, phù thủy Rothbart đưa con gái mình là Odile (thiên nga đen) đến lễ mừng sinh nhật của hoàng tử Siegfried trong diện mạo của công chúa Odette. Hoàng tử Siegfried bị phép thuật che mắt, lầm tưởng Odile là Odette, đã bày tỏ tình cảm và cầu hôn Odile. Màn 4, nhận ra sai lầm của mình, hoàng tử cầu xin và được Odette tha thứ. Hoàng tử chiến thắng phù thủy Rothbart. Lời nguyền được hóa giải.

Đoạn múa của bốn cô thiên nga nhỏ mà chắc là ai cũng biết và nghĩ đến khi nhắc tới vở ballet Hồ thiên nga nằm ở màn 2. Bốn diễn viên đã làm tương đối tốt đoạn này dù có sự phối hợp khá khó của các động tác chân và xoay đầu. Màn 3 là màn khoe tài khoe sắc của hoàng tử Siegfried và thiên nga đen Odile, thể hiện kỹ thuật cá nhân nhiều nhất của hai diễn viên. Mong mãi đến màn này để thưởng thức những bước nhảy dài và bật cao xoay quanh sân khấu của hoàng tử nhưng hoàng tử chỉ bật cao vài bước rồi thôi. Mong đoạn xoay 24 vòng của diễn viên Thu Huệ thì buổi mình đi xem, Thu Huệ chỉ đảm nhận vai thiên nga trắng chứ không diễn cả hai vai. Ấn tượng với những cái đập cánh vô vọng của thiên nga trắng và vẻ đẹp sắc sảo của thiên nga đen nhưng chỉ bấy nhiêu thôi thì chưa đủ.

Tuy chưa mạnh ở những phần diễn solo nhưng ê-kíp dàn dựng đã rất khéo léo cân đối để phát huy được nguồn lực hiện có và phù hợp với khán giả Việt Nam. Thêm vào một cảnh nhỏ mở đầu diễn giải cho lời nguyền của phù thủy Rothbart với công chúa Odette. Lược bớt nhân vật chú hề (biểu tượng cho sự vương giả của triều đình và sự vui nhộn của các dịp lễ hội) nhưng không ảnh hưởng nhiều đến vở diễn. Chú trọng nhiều đến sự biểu cảm của diễn viên, những màn diễn tập thể sinh động, nhiều màu sắc dễ thu hút khán giả. Đặc biệt là mỗi khi bầy thiên nga trắng muốt xuất hiện, có những di chuyển và sắp xếp hình khối nhìn từ trên cao xuống đẹp đến nín thở.

Ngay cả dàn nhạc, màn 1 và màn 2 chơi chưa hay, cứ bị cảm giác mỗi thứ một nơi. Nhưng đến màn 3 và màn 4 thì khác hẳn, nhất là đoạn bình minh lên khi kết màn 4, thấy cảnh vật như lung linh hiện ra ngay trước mắt.

Về tạo hình nhân vật, có hai nhân vật mình không thích lắm là thầy giáo của hoàng tử và phù thủy Rothbart. Thầy giáo trông hơi giống thầy mo. Phù thủy thì giống dơi lai ma cà rồng, đã ác lại còn xấu. Mình lại thích ác nhưng vẫn phải xấu đẹp cơ, kiểu sắc sảo đến từng đường nét ấy. Ngoài ra, vị trí của thiên nga trắng khi chứng kiến cảnh cầu hôn của hoàng tử và thiên nga đen còn để lộ rõ chiếc bàn phủ khăn trắng. Chỗ này chắc tổ chế tác bỏ sót, chứ chỉ cần cách điệu thành tảng đá hay khung cửa sổ là đẹp hơn bao nhiêu rồi.

Dù nguồn lực vẫn còn hạn chế, dáng vóc của vở diễn vẫn phải trông cậy nhiều vào khả năng nhào nặn của ê-kíp dàn dựng, vở ballet Hồ thiên nga của VNOB đã thúc đẩy được sự hào hứng, tò mò đi xem của khán giả. Từ một hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Nhà hát, Hồ thiên nga đã trở thành vở diễn bán được vé, là bước đà để VNOB đầu tư dàn dựng và giới thiệu đến khán giả thêm nhiều chương trình, vở diễn mới.

Về phía khán giả, bây giờ có quá nhiều cách tiếp cận và thưởng thức nghệ thuật. Có thể chỉ cần mở YouTube, tìm một lúc là ra nhiều phiên bản Hồ thiên nga của nhiều nhà hát khác nhau trên thế giới để xem và so sánh, cảm nhận. Có thể mua vé của nhà hát danh tiếng nhất để đến tận nơi thưởng thức Hồ thiên nga trên sân khấu. Đồng hành với VNOB từ những bước đầu tiên chinh phục khán giả đại chúng cũng là một lựa chọn không tồi. Ban đầu là ở sự dễ tiếp cận (giá vé chưa cao, mua vé chưa khó, các tác phẩm được lựa chọn và cân nhắc kỹ lưỡng để vừa đảm bảo chất lượng, vừa dễ hiểu, dễ cảm), về lâu về dài là sự trưởng thành đôi bên cùng có lợi (khán giả hiểu biết hơn sẽ đòi hỏi cao hơn, Nhà hát biểu diễn thường xuyên hơn sẽ đạt được chất lượng tốt hơn). Hy vọng không chỉ dừng lại ở Hồ thiên nga, VNOB sẽ có nhiều chuyển biến trong 3 đến 5 năm tới về số lượng buổi biểu diễn cũng như chất lượng, quy mô của các vở diễn, chương trình được dàn dựng.

Hồ thiên nga
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB)
04.12.2019
Nhà hát Lớn (Hà Nội)