Mỹ Tâm – My Soul 1981 (26/3): Gala 1

Mỹ Tâm - My Soul 1981 - Gala 1 (ngày 26/3)

Cuối cùng thì My Soul 1981 có đến hai đêm Gala vì số ghế có hạn mà nhu cầu mua vé xem trực tiếp lại nhiều. Mình vẫn đà xem online, mua luôn vé cả hai đêm dù coi Gala 1 như là bonus vậy vì mình thích danh sách khách mời của Gala 2 hơn, nhưng hóa ra Gala 1 cũng có cái hay riêng.

Thứ nhất là xem bạn Tâm nhí nhảnh, cực kỳ chiều chuộng khán giả, quan tâm ba mẹ và những khán giả lớn tuổi. Thứ hai là xem bạn Tâm đi catwalk một mình một kiểu, có giày và bỏ giày. Thứ ba là ngắm nhiều đồ đẹp của nhà thiết kế Công Trí, càng ngắm càng thắc mắc sao có thể làm đồ vừa đẹp vừa mất ít thời gian thay ra như thế? Khách mời mới chỉ kịp nói vài câu đã thấy Mỹ Tâm quay lại sân khấu rồi. Thứ tư là thích sự tỉnh rụi của Mỹ Tâm khi đọc hết cả kịch bản sân khấu lên cho khán giả nghe (team chắc “ức” lắm) hay lúc phá kịch bản, chuyển Đời là giấc mơ lên hát trước để câu giờ cho team xử lý lỗi beat của Hẹn ước từ hư vô. Tóm lại là Tâm của show 1 và Tâm của show 4 khác hẳn nhau, tự nhiên, thoải mái, linh hoạt hơn trong một không gian biểu diễn thoáng đãng, lãng mạn và nhất là lâu rồi mới lại được hát trực tiếp trước khán giả.

Khách mời là ba bạn trẻ mình ít chủ động nghe nhưng đều biết tên: Khắc Hưng, Vũ. và Thịnh Suy.

Không khó đoán Khắc Hưng sẽ góp mặt trong đêm Gala vì Hưng đã làm việc nhiều với Mỹ Tâm, đặc biệt với vai trò sáng tác và sản xuất cho album Tâm 9 được nhắc đến nhiều trong My Soul 1981. Âm nhạc của Khắc Hưng giống như khung sườn cho đêm Gala 1 với phần riêng bốn bài mở màn, cú đúp kết show, một bài góp mặt trong bộ tứ ca khúc được viết riêng cho My Soul 1981, còn lại là những bài kết nối giữa các phần và giới thiệu hai khách mời tiếp theo. Trong đó, mình thích nhất Đời là giấc mơ, một bài hát sôi động nhưng được Mỹ Tâm hát “tay bo” với phần đệm piano của nhạc sĩ Hoài Sa, mãi đến cuối mới cho thêm trống và nhóm bè tham gia vào mà vẫn tưng bừng như thường. Cuộc tình không mayTrên tình bạn dưới tình yêu là hai bản song ca không chỉ phù hợp cho sự kết hợp của Tâm với Vũ. và của Tâm với Thịnh Suy mà còn làm bật lên được phong cách riêng của mỗi khách mời. Vũ. là chất giọng đẹp, cách hát thiết tha, lãng mạn. Thịnh Suy là những luyến láy, nhấn nhá riêng mà những bạn trẻ sau này mới có được.

Vũ. cho đến trước show này mình vẫn ít nghe bởi ấn tượng ban đầu là kiểu hát lên cao thì run rẩy, xuống thấp thì lào khào, sến thì không hẳn nhưng cứ bị cảm giác yếu đuối, ướt át. Nhưng ở My Soul 1981 thì khác, không biết do cách hát của Vũ. đã thay đổi hay do song ca với Mỹ Tâm mà nghe cứng cáp hơn, quãng giọng và bài hát như được mở rộng hơn. Mỹ Tâm không chỉ dành sự trân trọng cho những sáng tác của Vũ. mà còn chủ động lui lại để Vũ. thể hiện được hết giọng hát của mình. Mình cũng thích cả những chi tiết nho nhỏ như tiếng nước nhỏ giọt pha vào beat của Bước qua mùa cô đơn hay tiếng đệm piano rất gợi hình ảnh “dòng người vội vàng bước qua” trong Bước qua nhau.

Thịnh Suy rụt rè, chân chất, có sao nói vậy làm mình nhớ đến Phan Mạnh Quỳnh ở thời điểm cách đây mấy năm, khi tham gia concert RomanceTruyện ngắn của Hà Anh Tuấn. Mình biết đến Thịnh Suy chính từ lần Mỹ Tâm cover Một đêm say trong một buổi livestream vui vui với fan. Sau đó cũng tìm nghe thêm những bài khác nhưng kiểu của mình chỉ xem MV hay nghe bài đơn lẻ sẽ rất khó vào. Phải đến lần này nghe một lượt Thắc mắc, Chuyện rằng, Một đêm say và một đoạn Tiny love mới thấy thích. Bài của Thịnh Suy cũng dễ song ca hơn bài của Vũ. nên Mỹ Tâm góp giọng được nhiều hơn. Riêng Một đêm say có thêm version mới, ảo ảo, bay bay, không biết có giống say thật không nhỉ!?

Xem Gala 1 đúng kiểu tiện thì xem mà lại có được một show hay vì chọn bài hay, khách mời hay, không trùng với những show còn lại. Mình cũng thích nhìn thấy sự kết nối thế hệ giữa Mỹ Tâm với Khắc Hưng, Vũ. và Thịnh Suy. My Soul 1981 là show của Mỹ Tâm nhưng còn có công giới thiệu Vũ. và Thịnh Suy (những đại diện của thế hệ singer/songwriter mới, không chỉ cân bằng giữa khả năng sáng tác và biểu diễn mà còn có thể dung hòa giữa cá tính, màu sắc riêng và sự gần gũi, dễ phổ biến tới người nghe) đến với một khán giả trẻ và chậm cập nhật như mình.