Mỹ Tâm – My Soul 1981 (27/3): Gala 2

Mỹ Tâm - My Soul 1981 (ngày 27/3)

Nếu như Gala 1 vẫn chuẩn format chủ nhà – khách mời thì Gala 2 phải gọi là show của những người bạn vì ai cũng đã ít nhất một lần xuất hiện trong My Soul 1981, cộng với cách chốt show kỳ lạ, đang livestream với fan thì lấy điện thoại gọi cho mỗi người một cuộc, vậy là xong.

Để mong chờ một điều gì đó mới mẻ hay xuất thần thì không có. Gala 2 đúng như tên gọi, là đêm nhạc để nghe lại những bài hát được yêu thích của nhạc sĩ Đức Trí, Phan Mạnh Quỳnh, Khắc Hưng, Mỹ Tâm và nhìn lại chặng đường My Soul 1981 đã đi qua. Vẫn ưu ái nhạc của Phan Mạnh Quỳnh hơn một chút, nghe lại vẫn thấy thích. Nhạc Đức Trí quen thuộc với mình nhất nên thích nghe anh ấy hát cùng Mỹ Tâm và tự “giễu” bản thân. Khắc Hưng thì đình đám quá rồi (có ai mà không biết Sau tất cả, Ghen, Hơn cả yêu chứ), lần này mình chấm Cuộc tình không may (Mỹ Tâm hát với Vũ. trong đêm Gala 1) và Tay vớt ánh trăng (viết cho My Soul 1981) vì khác với phong cách thường thấy. Sáng tác của Mỹ Tâm mình thích Đừng hỏi em, nghe bài này cứ nghĩ là của Khắc Hưng viết cơ đấy, hóa ra không phải.

Cũng giống như Gala 1, sau những phần trình diễn riêng tác phẩm của mỗi người là phần dành cho bộ tứ ca khúc được viết cho My Soul 1981: Chuyện hiển nhiên (Mỹ Tâm), Tay vớt ánh trăng (Khắc Hưng), Ngọn đồi hoa bay (Đức Trí), Hẹn ước từ hư vô (Phan Mạnh Quỳnh). Gala 2 còn có một bộ tứ khác với chủ đề “trên tình bạn dưới tình yêu” mà Mỹ Tâm tình cờ phát hiện ra trong lúc tập: Tri kỷ (Phan Mạnh Quỳnh), My friend (Mỹ Tâm), Trên tình bạn dưới tình yêu (Khắc Hưng), Rực rỡ tháng năm (Đức Trí). Với bộ tứ ca khúc này thì nhạc sĩ Đức Trí và Khắc Hưng tham gia hát cùng Mỹ Tâm luôn, chỉ tiếc là vắng Phan Mạnh Quỳnh. My friend hồi trước nghe mình thấy cũng bình thường nhưng ở show 16/1 Mỹ Tâm đã hát rất cảm xúc. Trên tình bạn dưới tình yêu thì trong Gala 1 đã có một bản phối mới, mang lại một màu sắc mới cho bài hát cùng với sự kết hợp của Mỹ Tâm và Thịnh Suy.

Sự cố mất điện ở nửa cuối Gala 2 đúng là hy hữu. Trong khi dân tình online bấn loạn, chạy ngược chạy xuôi qua các page để xem đang có chuyện gì xảy ra thì ở Lululola, Mỹ Tâm xuống tận nơi để hỏi thăm, xin lỗi khán giả rồi chuyển sang tiết mục mạnh ai nấy hát, tuốt tuột từ Ước gì, Cây đàn sinh viên, Nhé anh, Hát với dòng sông cho đến Chuyện hiển nhiên, Trên tình bạn dưới tình yêu, Một đêm say. Đến khi máy nổ hoạt động, cũng chỉ cấp đủ điện cho micro và piano, chương trình lại tiếp tục từ điểm dừng Ngọn đồi hoa bay. Lúc này, người hát thì nhiều, người đàn chỉ còn mỗi anh Hoài Sa. Khen nhiều cũng ngại nhưng không khen không được vì anh đàn hay quá và đã giữ lửa cho Gala 2 đến bài cuối cùng trong cảnh thiếu cả âm thanh lẫn ánh sáng. Nhưng cũng vì thế mà My Soul 1981 đã có một cái kết đáng nhớ (nhất là với những bạn có mặt tại Lululola) và khó có thể lặp lại.

Mỹ Tâm, những gì hay nhất trong giọng hát, kỹ thuật của thời điểm này đã thể hiện hết ở ba show đầu tiên làm tại phim trường MTE. Đến với Lululola là một Mỹ Tâm khác, vui vẻ với khán giả và bạn diễn là chính. Cũng không hiểu có phải được đi Đà Lạt vui quá hay không mà mọi trục trặc xảy ra đều được Mỹ Tâm đối xử nhẹ tênh làm mình cũng bị ảnh hưởng theo. Mình đã bực bội, khó chịu lắm khi Gala 1 không được phát lại theo giờ đã thông báo, Gala 2 bị dừng phát giữa chừng, mất bao nhiêu thời gian mới xem xong hai show mà xem được rồi thì sự bực bội, khó chịu lại bay đâu mất.

Trong tình hình dịch bệnh khó lường, không ai dám chắc điều gì, My Soul 1981 là dịp để gặp, nghe và ngắm Mỹ Tâm gần hơn, kỹ hơn, phong cách hơn, nhất là với những khán giả đã mua vé mà chưa được xem Tri âm tại Hà Nội. My Soul 1981 cũng là đợt kiểm thử lớn cho những ai có ý định làm show online tại Việt Nam. Tổ chức nhiều buổi diễn ở nhiều địa điểm cả trong nhà và ngoài trời, lại kết hợp hai hình thức online và offline, My Soul 1981 có gần như đầy đủ ví dụ về những rủi ro có thể xảy ra ở cả khía cạnh con người lẫn kỹ thuật mà nếu không phải là Mỹ Tâm, chắc khó có thể đi hết năm show trọn vẹn như vậy.

Nghĩ cũng hay, thời buổi COVID, mọi nhu cầu đều phải thu hẹp lại đến mức thiết yếu, giờ đến cả xem show cũng vậy. Cốt lõi vẫn cứ là bài hát hay, ca sĩ hay, tay đàn hay, rồi muốn làm gì thì làm.