Đừng sợ nhạc Jazz


Bài viết kết thúc lớp Lược sử nhạc nhẹ đương đại mình tranh thủ học được khi trường MPU tạm thời chuyển sang dạy online trong thời gian giãn cách vì Covid. Mới chỉ là học vẹt nhưng khi nào định dành thời gian cho Jazz mình vẫn sẽ đọc lại.

Có lẽ cũng giống như nhạc cổ điển, nhạc Jazz tuy được nhiều người biết đến nhưng không dễ nghe như nhiều thể loại khác. Nhạc Jazz có những đòi hỏi nhất định đối với cả người biểu diễn lẫn người nghe.

Tóm tắt quá trình hình thành và phát triển

Nhạc Jazz ra đời ở Mỹ vào những năm đầu thế kỷ 20. Trung tâm nhạc Jazz đầu tiên phải kể đến New Orleans, thành phố cảng phía Nam, với sự đa sắc tộc hơn bất kỳ nơi nào khác và cuộc sống về đêm sôi động đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhạc công từ khắp nơi đổ về chơi nhạc cùng nhau và học hỏi lẫn nhau. Lấy chất liệu từ nhạc Blues của người Mỹ gốc Phi, hệ thống hòa âm, hình thức và nhạc cụ của âm nhạc cổ điển châu Âu, tính đa tiết tấu của âm nhạc dân gian châu Phi, nhạc Jazz dần dần hình thành và tạo ra ngôn ngữ âm nhạc riêng. Sidney Bechet (clarinet), King Oliver (cornet), Louis Armstrong (trumpet) được xem là những nghệ sĩ solo Jazz đầu tiên, rất lâu trước khi Swing ra đời.

Ragtime và Dixieland

Ragtime ra đời vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (1896 – 1917) với sự ảnh hưởng từ nhạc diễu hành vùng New Orleans, âm nhạc châu Âu và âm nhạc châu Phi. Hình thức biểu diễn chủ yếu là độc tấu piano (tay trái đánh đều nhịp, tay phải chơi giai điệu có đảo phách). Tuy chưa có tính ứng tấu mà chỉ chơi các tác phẩm được viết thành nhạc bản, Ragtime lại ảnh hưởng đến Jazz sau này về sự hình thành của ngôn ngữ âm nhạc, nhất là tiết tấu Swing. Scott Joplin là cái tên nổi bật của thời kỳ này.

Dixieland phát triển vào những năm đầu thế kỷ 20 (1900 – 1928), chịu ảnh hưởng từ Ragtime, dàn quân nhạc, nhạc Blues và nhạc Gospel. Với kèn là nhạc cụ chủ đạo, các ban nhạc Dixieland có hình thức giống dàn quân nhạc thu nhỏ. Sự ứng tấu bắt đầu xuất hiện, nhưng còn đơn giản, theo cách ứng tấu tập thể – các nhạc công chơi ngẫu hứng cùng lúc. Thời kỳ này cũng đánh dấu sự ra đời của công nghệ thu âm. Bản nhạc Jazz đầu tiên được thu âm bởi ban nhạc Original Dixieland Jass Band. Nhiều nghiên cứu cũng đã xem việc đổi tên của ban nhạc từ Jass sang Jazz là lần đầu tiên từ “Jazz” xuất hiện để trở thành một từ độc lập sau này.

Thời kỳ Big Band

Big Band phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn từ 1930 – 1945, dưới hình thức ban nhạc đệm cho các câu lạc bộ khiêu vũ. Nếu như âm nhạc thời kỳ Dixieland có cấu trúc đơn giản, phù hợp với cách chơi ứng tấu tập thể và biên chế ban nhạc nhỏ thì Swing Era (Big Band Era) là thời kỳ của những ban nhạc với biên chế lớn hơn, có thể lên tới 17 người. Âm nhạc phức tạp hơn, số lượng nhạc cụ nhiều hơn đòi hỏi sự dàn dựng, sắp xếp từ trước. Vai trò của nhạc sĩ phối khí được hình thành với những bản phối được soạn sẵn. Tuy đã dành chỗ cho những đoạn solo ngẫu hứng nhưng chỉ với thời lượng ngắn, lối chơi đối đáp qua lại giữa các nhạc cụ vẫn chiếm ưu thế.

Chịu ảnh hưởng bởi cuộc đại khủng hoảng bắt đầu diễn ra từ năm 1929, New Orleans không còn là trung tâm của nhạc Jazz mà đã dịch chuyển đến Chicago rồi tới New York – trung tâm âm nhạc với nhiều thể loại, phong cách, là nơi tập trung các công ty thu âm, nhà xuất bản, các hoạt động kinh doanh âm nhạc. Cuộc đại khủng hoảng cũng làm nhiều công ty thu âm phá sản nhưng sự phủ sóng của radio đã giúp Jazz trở nên phổ biến và được biết đến trên khắp nước Mỹ. Nhạc Swing (nhạc khiêu vũ) được ưa chuộng như một cách thoát khỏi thực tại khó khăn của nền kinh tế, cũng là nguồn cổ vũ tinh thần trong thời gian diễn ra Thế chiến II. Những nghệ sĩ tiêu biểu của thời kỳ này có thể kể đến Duke Ellington (piano), Count Basie (piano), Benny Goodman (King of Swing) (clarinet). Đây cũng là thời kỳ đánh dấu sự xuất hiện của những ban nhạc có sự tham gia đồng thời của người da đen và người da trắng, không còn tách biệt hoàn toàn như trước.

Những trở ngại do Thế chiến II gây ra (nhiều nhạc công phải nhập ngũ, việc di chuyển đến các địa điểm biểu diễn ngoài thành phố gặp khó khăn, lệnh giới nghiêm về đêm), hình thức âm nhạc hạn chế (không có nhiều cơ hội thể hiện tính cá nhân, thiếu tính sáng tạo, phần lớn các ban nhạc đều có sự lặp lại, na ná nhau), lệnh cấm thu âm (do sự gia tăng của việc sử dụng các bản thu để phát trên radio và máy hát tự động làm ảnh hưởng đến thu nhập của các nhạc công chuyên biểu diễn live) đã dẫn đến sự thoái trào của Big Band. Mặt khác, sự phân biệt đối xử giữa nghệ sĩ Mỹ gốc Phi với các đồng nghiệp Mỹ gốc châu Âu đã thôi thúc họ tạo ra một loại hình âm nhạc của riêng người Mỹ gốc Phi mà người da trắng không thể chạm tới.

Bebop, Cool Jazz, Hard Bop

Giai đoạn từ 1940 – 1955 là thời của Bebop (có khi được gọi đơn giản là Bop). Nếu như Big Band là nhạc để nhảy (mang tính giải trí) thì Bebop được tạo ra với chủ đích là nhạc để nghe (mang tính nghệ thuật). Biên chế ban nhạc nhỏ hơn (thường là ngũ tấu), tốc độ chơi nhanh hơn, dùng nhiều âm nghịch biến đổi hơn, chú trọng solo với cách ứng tấu phức tạp hơn nhiều. Jam session (gặp gỡ, kết hợp và chơi nhạc cùng nhau, không nhất thiết phải chuẩn bị hay viết bài phối trước) là khái niệm ra đời trong thời kỳ này. Một vài trong số những jam session nổi tiếng nhất trong lịch sử nhạc Jazz diễn ra tại hộp đêm Minton’s Playhouse ở Harlem (New York) vào những năm 1940. Hát scat (cách hát dựa theo cách solo nhạc cụ, không cần lời mà chỉ sử dụng những âm không có nghĩa) cũng ra đời vào thời Bebop. Charlie Parker (saxophone), Dizzy Gillespie (trumpet), Ella Fitzgerald (ca sĩ) là một vài trong số những nghệ sĩ quan trọng nhất của Bebop.

Phát triển từ Bebop, Cool Jazz nổi lên trong giai đoạn 1949 – 1955 ở California (bờ Tây) với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ da trắng. Cool Jazz nhẹ nhàng hơn, có giai điệu rõ hơn, gần với Swing thời đầu, vay mượn hòa âm từ Bebop nhưng hòa âm dày hơn. Khác với Bebop chú trọng tính cá nhân với những màn solo ngẫu hứng, Cool Jazz phần lớn được soạn trước, coi trọng cả tính sắp đặt lẫn tính ngẫu hứng. Biên chế ban nhạc cũng mở rộng hơn với sự bổ sung thêm một số nhạc cụ từ dàn nhạc cổ điển. Miles Davis (trumpet) với album Birth of the Cool là một trong những nghệ sĩ Cool Jazz đầu tiên và quan trọng nhất. Ngoài ra có thể kể đến Dave Brubeck (piano), Chet Baker (trumpet), Gerry Mulligan (saxophone), nhóm The Modern Jazz Quartet. Với việc đưa Cool Jazz đến biểu diễn tại các trường đại học, Dave Brubeck và các nghệ sĩ khác đã tìm được lớp khán giả mới. Nhạc Jazz không còn bó hẹp trong không gian của hộp đêm hay vũ trường mà đã một lần nữa trở lại với dòng chảy chính thống kể từ sau thời kỳ Big Band.

Ở bờ Đông, tại những thành phố có nhiều người da đen sinh sống (New York, Chicago, Detroit…), Hard Bop thịnh hành từ 1951 – 1958. Được chơi bởi đa số nghệ sĩ da đen, gần hơn với Blues gốc, mang tính Soul hơn, Hard Bop là sự đáp trả đối với sự thống trị của người da trắng trong Cool Jazz. Những nghệ sĩ Hard Bop tiêu biểu là Art Blakey (drums), Clifford Brown (trumpet), Horace Silver (piano), nhóm The Jazz Messengers.

Sự ảnh hưởng của âm nhạc Cuba và Brazil

Latin Jazz là sự pha trộn giữa Bebop và âm nhạc Cuba, đặc biệt là các tiết tấu bộ gõ cũng như những cấu trúc tiết tấu tinh túy của loại âm nhạc Latin này. Dizzy Gillespie, một trong những tên tuổi nổi bật của Bebop, cũng là người đầu tiên khai phá và đưa chất nhạc Latin vào ban nhạc của ông, đánh dấu bằng sự kết hợp với Machito. Những tên tuổi sau này tiếp tục phát triển Latin Jazz có Tito Puente (percussion), Eddie Palmieri (piano), Arturo Sandoval (trumpet).

Bossa Nova hay Brazilian Jazz ra đời muộn hơn và nổi lên đồng thời với sự tách ra của Bebop thành Cool Jazz và Hard Bop. Nhiều nghệ sĩ Cool Jazz có sự kết hợp với Bossa Nova như Stan Getz (saxophone), Joao Gilberto (ca sĩ), Antonio Carlos Jobim, Charlie Byrd (guitar).

Modal Jazz, Free Jazz và Avant Garde

Phát triển từ Cool Jazz và Hard Bop, Modal Jazz là tiền thân của Free Jazz. Âm nhạc được chơi theo thể điệu thức (mode scale), không dựa vào hòa thanh, giúp cho các nghệ sĩ tự do thể hiện cảm xúc hơn. Kind of Blue phát hành năm 1959 của Miles Davis là album đáng chú ý đầu tiên của Modal Jazz. Bên cạnh đó có thể kể đến John Coltrane (saxophone), George Russell (piano).

Free Jazz hình thành và phát triển từ 1959 – 1970. Đây là thời kỳ mà quá trình phá bỏ hình thức cũ, tạo ra trật tự mới diễn ra rộng rãi với mọi loại hình nghệ thuật, không chỉ riêng âm nhạc. Free Jazz chú trọng đến âm thanh, âm sắc nhạc cụ nhiều hơn. Không tuân theo những mẫu mực trước kia về hình thức, kết cấu và liên hệ hòa âm cũng như thời lượng, cấu trúc giai điệu, Free Jazz hoàn toàn tự do, thả lỏng đường đi theo cảm xúc của người biểu diễn. Nếu như trước đây trong Bebop, Cool, Hard Bop, âm nhạc dựa vào hòa thanh thì nay, trong Free Jazz họ bỏ đi khái niệm này. Khi diễn tấu, hòa âm kế tiếp tự nó đến, không cần tính trước. Vì thế, các nghệ sĩ Free Jazz có thể thỏa sức thử nghiệm với việc tạo ra đủ loại âm thanh từ nhạc cụ của mình cũng như khám phá cảm xúc bằng âm nhạc. Cũng vì không còn dựa vào hòa thanh nên Free Jazz mang nhiều tính phi giọng điệu (atonal) và khó nghe hơn. Một điểm đáng lưu ý nữa là khác với ứng tấu trong Bebop mang tính solo, ứng tấu trong Free Jazz lại mang tính tập thể, các nhạc cụ chơi ngẫu hứng cùng lúc và liên tục hồi đáp lẫn nhau. Ornette Coleman (saxophone) là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của Free Jazz.

Từ cuối những năm 1950 đã có những nghệ sĩ tìm cách giảm bớt sự gò bó trong hòa âm, có nhiều chỗ hơn cho solo, phá cách hơn trong ứng tấu. Avant Garde ra đời khá gần với Free Jazz, luôn có sự tương tác qua lại cũng như dễ gây nhầm lẫn. Điểm khác nhau cơ bản của Avant Garde và Free Jazz nằm ở chỗ Avant Garde thường được sắp xếp, tính toán trước về hình thức, cấu trúc. Những tên tuổi nổi bật có Anthony Braxton, Albert Ayler (saxophone), Eric Dolphy (saxophone), Sun Ra.

Fusion và Smooth Jazz

Fusion hay Electric Jazz phát triển trong giai đoạn từ 1969 – 1990. Nếu như Free Jazz được cho là không quan tâm đến khán giả, chỉ phù hợp với số ít thì Fusion, tận dụng sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Rock vào những năm 1960, pha trộn Jazz với Rock và được đón nhận rộng rãi, không thua kém thời kỳ Big Band. Ngoài các nhạc cụ vốn có, Fusion là sự thể nghiệm của các nhạc sĩ Jazz với những nhạc cụ điện tử, hiệu ứng âm thanh và thiết bị điện tử phụ trợ khác. Các tác phẩm hay phần trình diễn thường kéo dài, nổi bật với hình thức đồng ứng tấu, sự sôi động và kịch tính. Hầu hết các tác phẩm đều được viết riêng hoặc do chính nhóm thu âm/biểu diễn sáng tác. Ngoài Rock, Fusion còn kết hợp Jazz với chất liệu âm nhạc từ các thể loại Funk, Soul và nhạc Latin. Đại diện tiêu biểu của Fusion là Miles Davis (trumpet) với album Bitches Brew, nhóm Weather Report, Chick Corea (piano, electric keyboards), Herbie Hancock (piano, electric keyboards), nhóm The Yellowjackets.

Smooth Jazz hay còn được gọi là Pop/Contemporary Jazz nổi tiếng vào giữa những năm 1970, những năm 1980 và vẫn được yêu thích cho đến nay. Smooth Jazz là hình thức đơn giản, dễ nghe và có tính thương mại cao hơn của Fusion. Nghệ sĩ tiêu biểu có thể kể đến David Sanborn (saxophone), George Benson (guitar), Dave Grusin (keyboards), Grover Washington, Jr. (saxophone), nhóm Spyro Gyra.

Jazz ngày nay

Ngày nay, các nghệ sĩ Jazz về cơ bản sẽ đi theo một trong ba hướng: kinh điển (traditional), chính thống (contemporary mainstream) hoặc pha trộn (“anything goes”).

Traditional là khuynh hướng tìm và phát triển từ chất liệu Jazz kinh điển như Blues, Swing, Bebop, Hard Bop. Các nghệ sĩ ở thời hiện tại trong cách chơi vẫn giữ lối chơi, âm thanh Jazz truyền thống. Ví dụ điển hình của khuynh hướng này là Wynton Marsalis (trumpet).

Các nghệ sĩ theo hướng contemporary mainstream khai thác chất liệu từ Hard Bop nhưng phát triển cao hơn về hòa âm, cấu trúc giai điệu, độ khó trong biểu diễn nhạc cụ. Một trong những nghệ sĩ tiêu biểu là Terence Blanchard (trumpet).

“Anything goes” chỉ những nghệ sĩ Jazz có thể pha trộn mọi thể loại nhạc hiện hữu (hoặc sẽ ra đời) như Jazz (tất cả các phong cách), nhạc cổ điển (thế kỷ 20 và 21), World (nhạc từ các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là Nam Mỹ và châu Á), Blues, Rock, R&B, Latin, Funk, Hip-hop, Rap, Pop… Những tên tuổi nổi bật là Dave Liebman (saxophone) và Dave Douglas (trumpet).

Ngoài ra, một số nghệ sĩ có thể đóng cả ba vai, tùy thuộc vào âm nhạc mà họ đang chơi. Những đại diện xuất sắc là Roy Hargrove (trumpet), Christian McBride (bass), Joshua Redman (saxophone).

Làm quen với nhạc Jazz

Nhạc Jazz tuy không dễ nghe nhưng lại dễ nhận biết qua các đặc tính: điệu Swing và đảo phách, sự ứng tấu hoặc ứng xướng ngẫu hứng (improvisation), dấu ấn và sự riêng biệt của nghệ sĩ trong cách trình diễn.

Nhạc Jazz cũng có nhiều phong cách cho bạn lựa chọn.

Nếu muốn nghe Jazz thời kỳ đầu, hãy tìm đến Ragtime (Scott Joplin – The Entertainer), Dixieland (Original Dixieland Jass Band – Livery Stables Blues), Big Band (Duke Ellington – Don’t Get Around Much Anymore).

Nếu thích âm thanh điện tử hãy nghe Fusion (Miles Davis – album In A Silent Way, Herbie Hancock – album Head Hunters). Nếu thích sự nhẹ nhàng, thư thái có thể chọn Smooth Jazz (Dave Koz – album The Dance) hay Bossa Nova (Stan Getz & João Gilberto – album Getz/Gilberto).

Muốn nghe Jazz tinh tuyền thì không thể bỏ qua Bebop (Charlie Parker – album Yardbird Suite, Ella Fitzgerald – How High The Moon), Cool Jazz (Miles Davis – album Birth Of The Cool), Hard Bop (Dave Brubeck – album Jazz Goes To College).

Thích cảm giác mạnh thì hãy thử thách bản thân với Modal Jazz (Miles Davis – album Kind Of Blue), Free Jazz (John Coltrane – album Ascension), Avant Garde (Art Ensemble of Chicago – album Full Force).

Nếu vẫn thấy nhạc Jazz không dành cho mình thì bạn cũng đừng bối rối. Như đã đề cập ở đầu bài viết, nhạc Jazz có những đòi hỏi nhất định đối với cả người biểu diễn lẫn người nghe. Để có thể ứng tấu/ứng xướng ngẫu hứng và tạo được dấu ấn riêng trong cách trình diễn, người nghệ sĩ phải dành rất nhiều thời gian, công sức để học hỏi, tập luyện và thử nghiệm. Về phía người nghe, ít nhất cũng cần nghe đủ nhiều để có thể nhận ra sự khác biệt giữa các bản thu (thậm chí là lượt thu) và phần trình diễn khác nhau của cùng một bản nhạc hay cảm nhận được nét riêng trong cách trình diễn của một nghệ sĩ so với nghệ sĩ khác.

Ngoài ra, văn hóa luôn phản chiếu đời sống xã hội đương thời. Việc tìm hiểu bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời của một phong cách âm nhạc cũng giúp bạn nắm được đặc điểm của phong cách đó hoặc lý giải được tại sao phong cách đó lại có hình thức thể hiện như vậy. Ví dụ khi nghe Ragtime, bạn có biết Ragtime tái hiện nhịp điệu của cuộc sống trong xã hội công nghiệp hiện đại không? Hay Fusion pha trộn Jazz với Rock do sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Rock trong những năm 1960, tuy ăn khách nhưng thực tế nhận được sự ủng hộ từ fan nhạc Rock nhiều hơn người nghe nhạc Jazz. Bạn thử tiếp tục với Free Jazz xem sao nhé!

Có thể nói, Jazz khó nắm bắt và không hấp dẫn ngay từ đầu nhưng có lẽ cũng không đến nỗi đáng sợ như vẫn mang tiếng. Đã trải qua lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, Jazz có rất nhiều thứ cho bạn nghe và tìm hiểu. Chỉ cần chịu khó dành thời gian cho Jazz, biết đâu sẽ có một vài bản nhạc, album hay nghệ sĩ Jazz xuất hiện trong playlist yêu thích của bạn.

Nội dung bài viết tham khảo từ các nguồn:

  1. Giáo trình Lược sử nhạc nhẹ (Trường nhạc nhẹ MPU)
  2. Jazz in America (The Herbie Hancock Institute of Jazz)
  3. National Museum of American History