
Lâu rồi chẳng có gì để xem. Nhạc cổ điển thì chẳng hiểu gì, còn nhạc nhẹ thì hễ có chương trình nào là đều diễn ở Sài Gòn. Năm nay yêu Thanh Lam nhất, vì đã làm Lam Xưa ở Hà Nội, cho khán giả Hà Nội xem trước tiên rồi mới mang đi đâu thì mang.
Lam Xưa kiệm quảng bá nếu không muốn nói là gần như chẳng quảng bá gì, nhưng vẫn hết vé từ vài ngày trước đêm công diễn. Chứng tỏ Thanh Lam vẫn luôn có một lượng khán giả riêng, trung thành và quan tâm tuyệt đối. Mình chỉ là “kẻ ngoại đạo” thôi.
Đi xem Lam Xưa ở một tình thế rất tréo ngoe là mọi hào hứng khi đón nhận sự kết hợp Thanh Lam – Lê Minh Sơn từ sản phẩm chung đầu tay là album Nắng Lên đã nguội. Những album sau này hoặc Thanh Lam hát Lê Minh Sơn, hoặc hát các tác giả khác nhưng do Lê Minh Sơn biên tập vẫn mua đủ nhưng không đủ thích để nghe cho đến nơi đến chốn. Đi xem Lam Xưa đúng bằng phản xạ gom góp cho đủ bộ sưu tập mà thôi, không mong chờ, háo hức là mấy nhưng rốt cuộc lại rất vừa lòng.
17 bài hát phủ sóng từ thời kỳ Thanh Tùng (liveshow Em Và Tôi), Thuận Yến (CD Tự Sự) đến Quốc Trung – Dương Thụ (CD Mây Trắng Bay Về) rồi Lê Minh Sơn (CD Nắng Lên, Lam Blue Ta) cùng với những bài hát riêng biệt khác nhưng mang đậm dấu ấn Thanh Lam như Chia Tay Hoàng Hôn, Hoa Sữa, Không Thể Và Có Thể chắc chắn đã làm xốn xang không ít người yêu nhạc nói chung và những khán giả trung thành của giọng hát Thanh Lam nói riêng.
Thanh Lam vẫn vậy. Từ những Em Và tôi, Lối Cũ Ta Về, Hoa Sữa, Chia Tay Hoàng Hôn… nôn nao kỷ niệm, đến những Gọi Anh, Đố Tình, Đá Trông Chồng… một thời rực rỡ, tới cả những Ngẫu Hứng Sông Hồng, Tuỳ Hứng Lý Ngựa Ô mới ra mắt; từ những bài hát đơn cho đến những bài song ca với các ca sĩ đàn em thân thiết – Trọng Tấn, Tùng Dương, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, 17 bài như một, đóng dấu ấn và phong cách Thanh Lam đậm nét. Có khác chăng chỉ là ở sự tiết chế và điều hoà để những bài hát thuộc những giai đoạn âm nhạc rất khác nhau trong sự nghiệp ca hát của Thanh Lam có thể đứng chung trong một chương trình, và để Thanh Lam không quá mạnh mà át đi những người bạn đồng hành.
Sân khấu tĩnh. Cơ cấu ban nhạc gọn nhẹ dù vẫn có đủ dàn nhạc điện tử, dàn dây, và dàn nhạc dân tộc. Chỉ có một yếu tố động duy nhất trên sân khấu – là Thanh Lam. Vẫn đấy thoáng tinh nghịch trong ánh mắt, thoáng nũng nịu trên khoé môi rồi lại say mê, đắm đuối trong từng câu hát, vẫn đấy những vụng về khi phải cầm micro để… nói, Thanh Lam dẫn dắt khán giả qua hết bài hát này đến bài hát khác không một chút mệt mỏi, đuối sức. Quên sao được khoảng lặng khi Thanh Lam cất tiếng “Hát đi em, hát lên những lời trái tim”, những tràng pháo tay khi Thanh Lam cất tiếng “Cho em một ngày một ngày thôi”, những giọt nước mắt rưng rưng khi Thanh Lam cất tiếng “Vui lên đi em, hát câu ca xưa người ơi người ở”, và những giọng hát hoà theo khi Thanh Lam cất tiếng “Cách xa đâu là lãng quên, để nhớ thương nhuộm hồng trái tim”. Quên sao được những lời giới thiệu chân thành Thanh Lam dành cho những vị khách mời của mình, mà trong đó sự xuất hiện của Tùng Dương bên cạnh Thanh Lam trong ca khúc Chia Tay Hoàng Hôn đã mang lại cho bài hát một màu sắc mới, hoàn toàn khác với cảm giác mình đã từng nghe Thanh Lam hát đơn trước đây. Đây là bài song ca mình thích nhất và là một trong những tiết mục đáng nhớ nhất với mình trong chương trình. Mặc dù sau này, có nhiều người nhận xét Tùng Dương hát át cả Thanh Lam
Vậy là đã 1 năm kể từ Mỹ Linh Tour ’06, cũng dưới bàn tay của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, Lam Xưa đến với khán giả Hà Nội với một phong cách hoàn toàn khác. Đơn giản, gọn gàng, ngăn nắp mà nhẹ nhàng, ấm cúng, vừa đủ cho một lượng khán giả thân thiết trong khán phòng sang trọng của Nhà hát Lớn. Nhưng nói gì thì nói, chẳng hiểu sao thấy vừa lòng về đêm diễn mà vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó, vẫn cứ có cảm giác số lượng khán giả này (dù rất chất lượng) trong khán phòng này (dù rất sang trọng) vẫn là chưa đủ với Thanh Lam, với chương trình kỷ niệm quãng đường 20 năm ca hát. Một chương trình như thế, với những bài hát như thế, với một giọng hát như thế hoàn toàn đủ sức thực hiện cho một lượng khán giả nhiều hơn thế, trong một không gian rộng mở hơn thế. Vì thế mà thèm xem Lam Xưa ở Nhà hát Hoà Bình (29/11).
Nhưng nói thèm là thèm vậy thôi, chứ vẫn muốn giữ cái cảm giác nhẹ nhàng khi rời đêm diễn. Bởi hiếm khi Thanh Lam chịu tiết chế mình để làm vừa lòng người khác như thế. Đã là Lam thì phải đậm đặc, để người khác hoặc phải nghiện, hoặc không bao giờ muốn đụng đến.