Bống thì quen rồi, còn Phố thì được hứa hẹn sẽ ra một album mới cùng thời gian diễn ra chương trình. Tuy nhiên, đây lại không phải là chương trình giới thiệu album mới như mình đã kỳ vọng.
Với thời lượng 3 tiếng đồng hồ, chương trình đồng thời đảm nhiệm hai vai trò: Thứ nhất, tuyên truyền cho chiến dịch bảo vệ tê giác mà Hồng Nhung là một trong những đại sứ của Việt Nam; thứ hai, là buổi chuyện trò, hàn huyên giữa những người thân quen lâu lâu mới có dịp gặp mặt thông qua âm nhạc, hình ảnh và những câu chuyện kể.
Ở vế thứ nhất, Hồng Nhung đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi dành ra phần trung tâm của chương trình với thời lượng không nhỏ cho những hình ảnh của chuyến đi thực tế tại Nam Phi mà Hồng Nhung và Hà Anh Tuấn đã tham gia. Cùng với đó là lời kêu gọi bảo vệ tê giác, không chỉ hướng đến khán giả của Hồng Nhung mà còn hướng đến những người trẻ và cả thế hệ tương lai mà Tôm, Tép là những đại diện đầu tiên. Hình ảnh loài tê giác sống trong tự nhiên bị loài người săn đuổi, bắn giết dã man để lấy sừng được phóng lên màn hình lớn, choán kín không gian sân khấu đã gây sốc và thu hút sự chú ý gấp trăm lần những đoạn phim ngắn được đưa lên TV trong chốc lát. Chủ đề “em yêu hòa bình, em yêu tê giác” sẽ không thể tách rời khi nhắc đến liveshow lần này của Hồng Nhung.
Về âm nhạc, Phố à phố ơi… Bống à Bống ơi… không vượt ra ngoài khuôn khổ của những chương trình tuyển tập đã trở nên quen thuộc và được tổ chức thường xuyên kể từ năm 2011. Hồng Nhung cùng với các khách mời đã đưa khán giả trở lại với Vườn yêu, Một mình, Vẫn hát lời tình yêu – những bản hit của những năm 90; Ngẫu hứng sông Hồng, Hạ trắng, Họa mi hót trong mưa – những bài Hồng Nhung đã nhiều lần biểu diễn thành công và được yêu thích trên các sân khấu lớn trong 2, 3 năm gần đây. Bên cạnh đó là những ca khúc về Hà Nội, đan cài với những kỷ niệm về khu phố cũ, về mùa đông xa xưa với chai nước nóng được cho vào trong chăn để ủ ấm đã khiến cho các cô, các chú khán giả “rất gật đầu” hưởng ứng.
Những điểm nhấn trong chương trình có thể kể đến phần mở màn Nhớ về Hà Nội với những khung hình đen trắng và thanh âm của bản thu cũ mà chỉ cần vang lên đã thấy sự thân thuộc, gắn bó. Còn có cả Cho em một ngày được trích từ băng ghi hình Bắt đầu từ hôm qua – nằm trong loạt chương trình Khách mời của VTV3 một thời đình đám và cũng là chương trình đã khiến mình hết sức tự giác “về với đội Hồng Nhung”. Cũng không thể bỏ qua kỷ niệm đi hát thời “chưa là ai cả” với Thanh Lam và hai người lại song ca cùng nhau. Gần 20 năm trước họ trẻ trung, rạng rỡ hát nhạc quốc tế. Lần này, họ mượt mà, đằm thắm với dân ca. Và lần nào Thanh Lam cũng rất nâng niu, dành đất diễn cho Hồng Nhung, điều khó có thể thấy được khi chị song ca cùng những giọng ca khác.
Hai tiết mục xuất sắc nhất trong chương trình mình dành cho hai bản mashup với hai sắc thái đối lập. Phố à phố ơi nối tiếp với Cây vĩ cầm vừa làm mình nhớ tới Ký ức đêm Hồng Nhung đã hát trong liveshow đầu tiên Bống bồng ơi, vừa làm mình thỏa lòng khi lại được nghe Hồng Nhung hát đúng chất tự sự, giàu tình cảm mà lâu nay bị lãng quên đâu đó. Hòn đá trong vườn tôi và Con chim sâu lại đem đến cho mình sự bất ngờ, thậm chí là choáng ngợp bởi sự dàn dựng công phu, dày dặn cả về phục trang, âm nhạc lẫn sự biến hóa không gian sân khấu nhanh thoăn thoắt thông qua thể loại múa dân gian đương đại. Tiết mục có sự dàn dựng tổng thể hoàn thiện và nổi trội hơn tất cả những tiết mục có phần dàn dựng tương tự mà Hồng Nhung đã từng thể hiện trước đây, bao gồm cả Đóa hoa vô thường, Ngẫu hứng sông Hồng và Vòng tròn.
Sân khấu tối giản, ánh sáng chắt lọc, âm thanh chi tiết. Phố à phố ơi… Bống à Bống ơi… còn có sự đồng hành của ban nhạc Anh Em và những nghệ sĩ solo hàng đầu như pianist Hoài Sa, guitarist Dũng Đà Lạt và nghệ sĩ sáo Hoàng Anh. Hoàng Anh thậm chí còn mang cả “bộ sưu tập” sáo lên sân khấu mà suốt từ đầu chương trình, mình cứ tưởng đó là mô hình cây khô để trang trí sân khấu. Đặc biệt thích những âm thanh mượt mà, réo rắt và không gian mới mẻ mà tiếng sáo mang lại cho Họa mi hót trong mưa, Thuở Bống là người.
Tuy nhiên, chương trình vẫn bị hai điểm trừ. Thứ nhất là số lượng khách mời quá nhiều, làm chương trình bị phân mảnh và làm mình bị phản xạ… đếm khách mời để đo thời lượng chương trình (nếu Hồng Nhung chủ định làm show này theo hình thức “Hồng Nhung và những người bạn” thì có thể bỏ qua điểm này). Thứ hai là giọng hát của Hồng Nhung dường như không còn giữ được phong độ so với Có phải em mùa thu Hà Nội (2012) hay Ru mùa đông (2013) trong khi nửa số bài trong chương trình là bài riêng của khách mời, song ca cùng khách mời hoặc kết hợp giữa âm thanh “tư liệu” với hát live. Không biết lý do là gì? Chỉ biết rằng mình vẫn mong 15 hay 20 năm nữa, dù thời gian có hạn chế bớt quãng giọng và làn hơi, có lấy bớt sự nhanh nhạy với nhịp điệu, tiết tấu thì Hồng Nhung vẫn có thể đứng hát đàng hoàng trong một chương trình riêng quy mô như cô Khánh Ly đã làm được với Live concert Khánh Ly vào tháng 5/2014.
Còn về khoản thời trang thì khỏi phải bàn. Kể cả khi 70 tuổi, Hồng Nhung vẫn sẽ là cô gái 70 được nhiều người ngưỡng mộ.
[Click vào hình để xem full size]
Hồng Nhung
05.12.2015
Cung VHLĐ Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội)