Rảnh rỗi online, thấy thông tin Dear Hanoi của Vũ Cát Tường trên fanpage Viet Vision, tiện tay mua luôn vé mà quên mất Hà Nội đang trong những ngày mưa dập gió vùi.
Đáng khen cho fan của Tường, gió mưa vẫn đến đúng giờ, chẳng hề nao núng. Mình gần như là khán giả cuối cùng có mặt ở sảnh, lúc ấy đã vắng tanh, để đổi vé. Từ khi vào sân, thấy bãi xe chật kín đã hoang mang hay là chương trình bắt đầu từ 19:00 như trên poster, may quá vẫn kịp.
Ấn tượng đầu tiên với show diễn là sân khấu rất đáng yêu, đẹp và độc đáo. Tiểu tinh cầu của Vũ Cát Tường hiện diện ở vị trí trung tâm sân khấu. Hình ảnh cây piano được phóng lớn trên phông nền. Ánh sáng thiết kế chi tiết, sinh động, có điểm nhấn và tạo được hiệu ứng thị giác tốt (tóm lại là chụp ảnh đã luôn nếu không vướng bờ vai của mấy anh quay phim).

Ấn tượng tiếp theo dành cho fan của Vũ Cát Tường. Trẻ, nhiệt, thuộc bài như ca sĩ. Từ những bản ballad như Mơ, Yêu xa đến những bài kiểu 1 câu 500 từ, cuối câu lại hú lên một cái như Vài phút trước, The party song đều có sự tham gia của fan, hòa giọng có, bồi đáp có, chuẩn không cần chỉnh. Fan của Tường cũng là lượng khán giả chính trong khán phòng.
Chương trình có ba khách mời. Không thích hai bé Anh Tuấn và Ngọc Ánh hát anh anh em em trên sân khấu nhưng để giới thiệu hai học trò cưng của Vũ Cát Tường từ chương trình Giọng Hát Việt Nhí thì châm trước một chút. Ngọc Ánh chững chạc với Cô gái ngày hôm qua. Anh Tuấn làm bừng sân khấu với đoạn rap trong San Francisco (rap hay hơn cô Tường) và chuyển tiếp sang nhịp điệu latin sôi động của Ngày hôm qua (hát bốc hơn cô Tường).
Hồng Nhung – huấn luyện viên của Vũ Cát Tường mùa Giọng Hát Việt 2013 là khách mời bí mật dễ đoán. Mình thấy lợi thế lớn nhất của Vũ Cát Tường khi về đội của Hồng Nhung là… sự thay đổi về phong cách ăn mặc, vẫn giữ gu unisex nhưng mềm mại hơn, phong cách hơn và đẹp hơn. Còn khi Hồng Nhung đến với show của Vũ Cát Tường thì khán giả có hai bài song ca rất đáng nghe trong chương trình là Don’t you go và Tôi xưa nay Hà Nội. Don’t you go được thả vào không gian swing vừa sóng sánh vừa rộn ràng (fan Hồng Nhung đừng bỏ qua bài này!). Tôi xưa nay Hà Nội mà cháu viết nhạc, cô viết lời, dù chỉ hát một lượt ngắn nhưng cũng đủ để tán đổ khán giả Hà Nội vì hợp người, hợp cảnh, hợp giọng cả hai cô cháu đến mức nếu không nhìn lên sân khấu thì có những đoạn không phân biệt được ai đang hát.

Để nói về Vũ Cát Tường thì đây là cái tên dễ được biết đến dù có theo dõi nhiều hay không. Mình không theo dõi Tường nhiều, có biết một số bản ballad thời kỳ đầu của Tường nhưng còn chưa thuộc tên bài. Âm nhạc của Dear Hanoi xuyên suốt từ những bản hit đầu tiên trong sự nghiệp của Vũ Cát Tường đến sáng tác mới tinh nằm trong album sẽ phát hành vào cuối năm nay, có thể coi là một bản profile tương đối đầy đủ và bao quát về Tường.
Dần nhận diện được Vết mưa, Mơ, Góc ban công, Yêu xa, Đông, Em ơi, bắt đầu từ… tên của các loại vé, sau đó là bằng ca từ. Nhưng mình thích loạt bài từ album Stardom hơn vì cách viết đa dạng và cách hát vì thế cũng không còn một màu như trước. Tường hát live tốt, giữ giọng ổn định từ đầu đến cuối dù di chuyển trên sân khấu khá nhiều. Tường cũng thuộc lứa ca sĩ trẻ có độ nhạy tốt về tiết tấu nên làm chủ được từ những bài đậm đặc như Nobody đến tưng tửng như Be a fool, quẩy tung nóc như Stardom, The party song hay khó nhằn như Don’t you go, Tôi xưa nay Hà Nội, Đông. Tuy nhiên Tường hay hát nuốt chữ, cộng với tiếng ban nhạc khá ồn ở đầu chương trình làm mình rất khó nghe ca sĩ đang hát gì.
Hai tiếng đồng hồ với 20 bài kèm giao lưu chuyện trò (Tường tự xử hết), Dear Hanoi là một chương trình tốc độ cao chứ chẳng phải vừa. Phong cách âm nhạc đa dạng, thời gian sáng tác trải dài, việc đặt để 20 bài vào một không gian chung cũng không hề đơn giản. Cùng với ý tưởng của Vũ Cát Tường, Nguyễn Thanh Bình đã làm rất tốt vai trò của người sản xuất âm nhạc cho Dear Hanoi bởi khả năng phối trộn khéo léo giữa nhạc cụ cổ điển và nhạc cụ điện tử hay những đoạn chuyển mượt mà từ bài này sang bài khác. Bên cạnh Nguyễn Thanh Bình đã gắn bó và hiểu rõ nhạc của Tường thì Màu Nước Band cũng chơi nhạc của Tường hay đến mức độ nhuần nhuyễn. Với những bản phối và ban nhạc tốt như thế này, mình thích những bài hát trong album Stardom được chơi live như vậy hơn là hát trên nền nhạc thu sẵn như trong Stardom Concert.

Giờ mới nói, thật ra mình mua vé Dear Hanoi vì cái tên Viet Vision nhiều hơn Vũ Cát Tường. Ấn tượng gần đây nhất về Tường là “lại Hàn Quốc” khi thấy những hình ảnh quảng bá cho single Leader và album Stardom. Thấy cái phong thái (tỏ ra) bất cần ngạo nghễ thuộc về Sơn Tùng M-TP hay Suboi, còn những tạo hình gợi cảm, táo bạo thì hợp với Trà My Idol hay Hiền Hồ nhiều hơn. Vì thế nên cũng không để ý lắm đến các thông tin về Dear Hanoi.
Dear Hanoi thoạt đầu cũng làm mình có cảm giác như vào nhầm chỗ vì cả một bầu trời wristband và lightstick đúng chuẩn Hàn Quốc. Mình lại ít thuộc bài của Tường nên thấy mọi thứ diễn ra quá nhanh. Để viết được bài này cũng phải “tra từ điển” chán ra. Tuy nhiên, Dear Hanoi là một chương trình có chất lượng tốt, đồng đều mọi mặt từ nghệ sĩ biểu diễn, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, sân khấu so với mặt bằng chung chứ không chỉ là so với những gương mặt cùng thế hệ.
Về hình thức tổ chức, Dear Hanoi không mới vì áp dụng mô hình tổ chức show kiểu Hàn Quốc: Giá vé cao (từ 900.000 đến 5.000.000 đồng) nhưng có nhiều tặng phẩm lung linh đi kèm tuỳ theo từng loại vé. Ngoài wristband, lightstick còn có CD Stardom, bản demo bài Dõi theo trong album sắp phát hành và buổi meet & greet để fan có thể gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp với Vũ Cát Tường. Chương trình cũng cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa nghệ sĩ biểu diễn với fan. Fan không đơn thuần mua vé đi xem show mà còn tham gia vào các hoạt động quảng bá trước show, cổ vũ nghệ sĩ trong show hay thậm chí là tài trợ một phần tiền vé để càng nhiều fan có thể tham gia càng tốt.

Về cấu trúc chương trình, Dear Hanoi là một lá thư đúng nghĩa. Mở đầu bằng Em (Hà Nội) ơi. Đi qua những câu chuyện xen lẫn buồn vui của sự trưởng thành cả trong nghề nghiệp lẫn đời sống. Khép lại với Yêu xa. Trở về nhà với dòng tái bút là những lời nhắn nhủ trong postcard Dear Hanoi. Hẳn là những fan đội mưa đến với Tường tối 31/8 đều đã vừa lòng.
Mình mua vé sát ngày. Cũng chẳng để ý lắm, chọn đại loại vé ưu đãi 50% của VinID nên không có tặng phẩm đi kèm. Những thứ khác không nói vì đã quá tuổi chơi rồi, nhưng quả là có hơi tiếc CD Stardom. Trong buổi livestream giới thiệu về Dear Hanoi, Tường có băn khoăn về việc khán giả Hà Nội đã nghe album Stardom chưa. Câu trả lời là sau Dear Hanoi, cả tuần toàn nghe Stardom. Chất lượng âm thanh tốt. Thích mấy bài Naijik làm và rất vui khi phát hiện ra bạn ấy là một người Việt trẻ chứ không phải ông Hàn Quốc hay ông Âu Mỹ nào đó. Vẫn không thích Leader. Những bài được thích hơn các bài khác một chút: Nobody, If, Gucci in town, This love.
Trong lúc tra từ điển có tìm được mấy link này hay hay nên share luôn để mọi người cùng xem:
- Về Leader
- Về If
- Về Stardom – Nobody
- Cuộc tỉ thí giữa Vũ Cát Tường và Dustin Nguyễn trong bối cảnh Bar Stories. Nhây. Lầy. Nhiều thông tin đáng quan tâm.
Dear Hanoi,
VCT TOUR 2019
Vũ Cát Tường
31.08.2019
Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội)
Xem thêm