Cầm tay Sài Gòn


Nửa cố tình, nửa cố ý đã cho mình cơ hội được cùng Cầm Tay Mùa Hè Nam tiến

Có buồn chút xíu khi tầng 1 Nhà hát Hòa Bình vẫn còn ghế trống. Nhưng sau đấy lại quên ngay vì mải chụp hình và để ý xem chương trình ở Sài Gòn khác với Hà Nội thế nào

Thanh Lam ít khác nhất. Phần trình diễn của Thanh Lam vẫn giữ nguyên thời lượng và chỉ có Hạc Vàng Bay Xa được thay bằng Tiến Thoái Lưỡng Nan – nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn mà lần đầu tiên Thanh Lam biểu diễn trên sân khấu lớn – như một món quà đặc biệt dành tặng khán giả phương Nam. Mỗi tội do thời lượng chương trình dài hơn ở Hà Nội nên đến bài này mình lại có cảm giác lê thê, mệt mỏi. May là sau đó, nhịp điệu rộn ràng của Đố Tình đã làm mình tỉnh táo trở lại

Xem Thanh Lam hát live, điều dễ thấy nhất và làm mình thích nhất là sự vững vàng không chỉ về kỹ thuật mà cả bản lĩnh sân khấu. Dù xuất hiện cuối chương trình, khi thời gian đã khá muộn, khán giả bắt đầu trùng xuống sau những bài hát khá nặng của Hà Linh, Thanh Lam vẫn dư sức cuốn khán giả hào hứng với phần trình diễn của mình đến cùng.

So với Thanh Lam và Uyên Linh, Hà Linh có nhạc mục được thay đổi khá nhiều với 3 bài mới là Giận Anh (song ca với Uyên Linh), Bài Hát Ru Cho Anh, Đêm Nằm Mơ Phố, chỉ giữ lại Ngày Không Mưa và Nước Sâu. Mình thích phần trình diễn của Hà Linh ở Sài Gòn hơn Hà Nội. Không đơn thuần ở giọng hát của ca sĩ mà còn ở không gian âm nhạc mà nhạc sĩ Quốc Trung đem đến qua những bản phối, rất rộng lớn và có chiều sâu (tạm gọi là âm nhạc 3D ). Mình thấy không gian âm nhạc này vừa vặn hơn với Hà Linh, thể hiện rõ hơn cá tính và giọng hát của Hà Linh dù cách hát của Hà Linh vẫn có gì đó chưa thật thuyết phục. Mới chỉ dừng lại ở sự ghi nhận một giọng hát cao, mạnh mẽ, có kỹ thuật và có cá tính, đáng để tham khảo chứ yêu thích thì chưa. Chắc phải chờ ra đĩa để nghe kỹ hơn

Uyên Linh thì ngược lại, thích phần hát của Uyên Linh ở Hà Nội hơn Sài Gòn. Ở Hà Nội Linh hát tinh tế, trau chuốt hơn, sắc thái của từng bài hát vì thế được thể hiện rõ nét hơn chứ không tưng bừng đều như ở Sài Gòn Tưng bừng đều có lẽ là do “cứ nghe nhạc bốc là lại bị phừng phừng” như đã từng thú nhận ở Vietnam Idol nhỉ Rộn ràng với Simply The Best cùng Anh Khoa xong là bao nhiêu bay bổng của Người Hát Tình Ca, dịu nhẹ của Giấc Mơ Tôi đi đâu hết cả. Riêng Mượn thì ở trường hợp khác, tempo đã được điều chỉnh chậm lại, Linh hát rõ lời hơn nhưng mình lại không thích bằng bản Linh đã hát ở Hà Nội. Thích đã điên là phải điên luôn, chứ không điên vừa vừa Bù lại, phần diễn của Linh ở Sài Gòn mình lại thích hơn, tự nhiên, thoải mái, không bị gò bó và chịu khó di chuyển trên sân khấu. Thích những lúc Linh thế này chứ không thích những lúc Linh rụt rè, e ngại hay phải cố gắng làm được điều này, điều kia (như mong muốn của mọi người).

Người biểu diễn đầu tiên nhưng lại được nhắc đến cuối cùng là Anh Khoa và PAK Band. Đây là phần khác biệt lớn nhất giữa Sài Gòn và Hà Nội. Nếu vẫn giữ nguyên ấn tượng sau khi đã xem Cầm Tay Mùa Hè ở Hà Nội, thì sự xuất hiện của Anh Khoa và PAK Band trong chương trình ở Sài Gòn có thể hiểu là phần mở màn trước khi bắt đầu vào phần chính. Nó khá tách biệt với 3 phần biểu diễn của 3 ca sĩ còn lại về màu sắc âm nhạc và có vẻ như làm loãng chương trình khi tỉ lệ thời gian dành cho hai nhân vật chính là Thanh Lam và Uyên Linh bị thu hẹp lại. Nhưng mặt khác, thực tế mình thấy Cầm Tay Mùa Hè giống chương trình của “Thanh Lam và các em” hơn vì chỉ có vai trò chủ đạo của Thanh Lam là thấy rõ, còn vai trò của Uyên Linh so với các khách mời không thật sự nổi bật, ngoại trừ sức hút về tên tuổi. Nếu tạm quên đi đây là chương trình riêng của Thanh Lam và Uyên Linh thì sự xuất hiện của Anh Khoa và PAK Band không có gì phải bàn cãi. Họ là một phần của Cầm Tay Mùa Hè và góp thêm một màu sắc riêng vào chương trình.

Chính vì thế, Cầm Tay Mùa Hè lại làm mình liên tưởng đến Hennessy Artistry với nhiều điểm tương đồng: số lượng ca sĩ/ban nhạc hạn chế (3-4 người), biểu diễn độc lập (mỗi người đều có khoảng thời gian riêng và biểu diễn cùng ban nhạc riêng) và có 1 nhân vật đặc biệt biểu diễn cuối chương trình (là người đảm bảo thành công và quyết định đối tượng khán giả đến với chương trình). Mình thích mô hình biểu diễn như thế này vì chất lượng luôn được đảm bảo với thành phần tham dự có chọn lọc (thực tài) và mang đậm dấu ấn của nhà sản xuất. Có điều, đến với những chương trình như thế này, nhất là với nhà sản xuất Quốc Trung, khán giả cũng phải thử thách mình một chút khi không được chiều chuộng theo kiểu nghe nhạc hoàn toàn theo sở thích và thói quen. Sẽ có những đan xen có chủ ý của nhà sản xuất về những gương mặt mới hay phong cách mới, định hướng mới của các ca sĩ tham gia chương trình. Như thế cũng hay chứ, nhỉ!

Thầy Quốc Trung nghiêm chỉnh quá
Trông giống đi họp trên Bộ hơn là đi biểu diễn



Cầm Tay Mùa Hè ở Sài Gòn có phần nhìn tốt hơn ở Hà Nội, nhưng phần nghe (chất lượng âm thanh) lại không bằng. Có thể do vị trí ghế ngồi (PT07, tầng 1).








Hổ trắng Uyên Linh (giống cả ngựa vằn nhưng gọi là hổ trắng
cho quý )







Chuyên gia lè lưỡi





Hai chị em cùng giận anh Đức Trí













Hình nền minh họa đã làm đẹp cho từng bài hát nhưng chưa có
tính tổng thể, xuyên suốt cho cả chương trình





Nhiều người chê bộ trắng đỏ này nhưng mình lại thích vì dễ
chụp ảnh











Lần này có chụp ảnh cả ê-kíp ra chào khán giả. Cậy là đã xem
ở Hà Nội rồi mà