Monsoon Music Festival 2015 (P1)


Bị nghiện Joss Stone suốt từ khi kết thúc Monsoon tới giờ. Cứ mở máy tính ra là y như rằng lại đâm đầu vào YouTube xem hết bài này đến bài khác, không có điểm dừng. Phần thưởng xứng đáng cho tối 10/10 đủ can đảm xách xe ra khỏi nhà giữa lúc mưa gió để đi xem Monsoon sau ba, bốn lần “thôi, không đi nữa” theo lời dụ dỗ của mọi người!

Không chỉ trở lại với khán giả đúng hẹn, năm nay Monsoon còn trở lại với một diện mạo mới – chuyên nghiệp và quy mô hơn trước: Triển khai hình thức bán vé điện tử với hệ thống thanh toán online hỗ trợ nhiều loại thẻ giúp khán giả có thể chọn và mua vé dễ dàng, thuận tiện. Vẽ sơ đồ chi tiết khu biểu diễn và đưa lên website từ sớm giúp khán giả nắm được đường đi lối lại và quy trình check-in trước khi đến. Bố trí lại vị trí các khu chức năng, bổ sung hệ thống loa ở khu vực giữa sân giúp mở rộng không gian thưởng thức âm nhạc với chất lượng âm thanh không bị suy giảm. Tăng thời lượng biểu diễn lên bốn đêm liên tiếp và đưa vào danh sách nghệ sĩ hai khách mời đặc biệt được giấu tên đến sát thời điểm khai màn mới công bố với thông tin hé lộ rất hấp dẫn – “đẳng cấp thế giới”.

Không còn sự náo nức cuống cuồng như năm đầu tiên, năm nay rất đủng đỉnh chờ danh sách nghệ sĩ biểu diễn rồi mới quyết mua vé hôm nào. Tuy nhiên lại bị BTC làm khó, ra danh sách nghệ sĩ nhưng ém lại lịch diễn đồng thời mở bán vé sớm với giá ưu đãi không cần phải nghĩ. Thôi đành, đằng nào cũng chẳng biết ai vào với ai (dù cũng chịu khó nghiên cứu thông tin giới thiệu nghệ sĩ ra phết) nên mua luôn vé sớm cho rồi. Vậy là dù trời đẹp hay trời mưa, dù đến sớm hay đến muộn thì vẫn điểm danh đủ bốn ngày với Monsoon.

Ngày 1: SlimV

Giống như năm ngoái, năm nay Monsoon cũng có phần truyền hình trực tiếp trên VTV1. Nhưng khác với sự cập rập của năm ngoái, năm nay đã có sự chuẩn bị chủ động hơn hẳn với phần Gala 90 phút, không giới thiệu một dự án cụ thể nào nhưng quy tụ từ dàn nhạc giao hưởng trẻ Maius Philharmonic cho đến những gương mặt đang góp phần làm rộn ràng thị trường âm nhạc Việt Nam với những bài hit hát đến đâu khán giả hòa theo đến đấy, và một số đại diện của những gương mặt quốc tế sẽ biểu diễn tại Monsoon. Dù cũng vui vẻ, phấn khởi chẳng kém ai, dù cũng phát sốt với sự xuất hiện quá ư lộng lẫy của Tóc Tiên thì vẫn hơi bị buồn vì cứ nghĩ sẽ được xem những set 30-45 phút riêng biệt của một số bạn hay hay như Tiên Tiên, Tóc Tiên, Tạ Quang Thắng… nhưng hầu hết các bạn ấy chỉ góp giọng mỗi người một bài và không xuất hiện trở lại trong những ngày tiếp theo.

Bù lại, ngay sau Gala là phần trình diễn cực đã của SlimV. Theo kế hoạch, mình sẽ… đi về sau khi xem xong WhoMadeWho, phần vì các DJ thường biểu diễn rất muộn, phần vì không hợp (năm ngoái đã cố thử rồi). Nhưng do sự hoán đổi thứ tự biểu diễn không thông báo trước, thành ra mình lại phải xem SlimV. May mắn là âm nhạc không chỉ xoay quanh những sound, beat đặc trưng hay những vòng lặp tăng dần cường độ, mà còn có đường dẫn là những nét nhạc được SlimV gõ ngón trên phím đàn piano tưởng tượng, sự góp giọng đầy bất ngờ của Nguyễn Đức Phúc, và không khí Tây Bắc rộn rã khi giai điệu Chiếc khăn piêu nổi lên với phần vocal của Tùng Dương. Hơn thế nữa, toàn bộ phần trình diễn còn nằm trong tổng thể tương tác với những hiệu ứng hình ảnh cực kỳ ấn tượng. Buộc mình phải thốt lên “Monsoon năm nay khác rồi!”.

Còn nhớ năm ngoái đã bị cuốn hút đến thế nào với phần biểu diễn của Carpark North trong sự kết hợp hoàn hảo của âm thanh – ánh sáng – âm nhạc – hiệu ứng hình ảnh, đã ước ao đến thế nào các nghệ sĩ Việt tham gia cũng có được những set diễn tương tự. Thì ngay năm nay, đã có sự kết hợp của SlimV (DJ) và Crazy Monkey (visual art) tạo nên một set diễn ở mức tương đồng – với hình thức một gói sản phẩm hoàn chỉnh và hấp dẫn, có thể mang đi bất cứ đâu “bật lên và chơi” ngay được.

Điểm trừ của set diễn này là làm mình đuối sức nhanh khủng khiếp sau khoảng thời gian chờ setup sân khấu của WhoMadeWho. Kết quả là chỉ xem được có hai bài thì đành ra về. Cũng còn vì phải giữ sức cho những ngày tiếp theo.

Ngày 2: Thomas Oliver

Khung thời gian cho phép của ngày thứ hai chỉ từ 18h đến 20h (thực tế đã nấn ná đến tận 20h30) nên chỉ xem được hai set đầu của Trần Toàn K300 và Thomas Oliver.

Trần Toàn K300 – một cái tên lạ, nhạc cũng lạ. Chơi rock. Không phải thứ rock gầm gào cào xé mà là thứ rock bình dị đời thường. Ấn tượng ban đầu là nhạc đánh thì được nhưng nhân vật chính run quá nên hát vừa ngang vừa phô và giao lưu có phần lúng túng. Điều không tránh khỏi là câu hỏi “Tại sao…?” vụt thoáng qua trong đầu. Nhưng càng nghe mới càng vỡ ra Trần Toàn K300 chỉ lạ đối với mình, chứ chắc chắn đã có lượng khán giả quen ở đâu đó – là những người đã biết đến và yêu thích cái tên này, phong cách này từ trước Monsoon 2015 bởi những ca khúc vừa dí dỏm, ngộ nghĩnh lại vừa triết lý, gợi nhiều suy nghĩ về cuộc sống và xã hội hiện đại (thích nhất Câu hỏi, Thế giới hình chữ nhật, mấy chỗ nhéo guitar rất “bon chen” trong Hai con dê qua cầu). Chẳng phải vô cớ mà BTC đưa cái tên này vào danh sách biểu diễn. Cũng chẳng phải vô cớ mà PAK Band hôm sau mới đến lượt biểu diễn cũng có mặt trên sân với vai trò khán giả.

Thomas Oliver là một trong những gương mặt nghệ sĩ quốc tế đã xuất hiện trong phần Gala ở đêm đầu tiên. Mũ len trùm đầu. Ôm guitar đứng hát. Không thể không làm mình liên tưởng đến những anh chàng ngọt ngào bước ra từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát trên truyền hình như Idol hay The Voice. Vẫn mũ len trùm đầu, vẫn guitar, vẫn lối hát pha giữa giọng thật và giả thanh nhưng trong set diễn riêng, Thomas Oliver đã mang đến một không gian âm nhạc hoàn toàn khác. Bắt đầu chỉ với giọng hát và một cây guitar, không gian âm nhạc được mở rộng dần ra và làm dày dần lên lần lượt với sự thêm vào của cây guitar thứ hai (Weissenborn – hình thức gần giống guitar thường nhưng đặt nằm ngang và cách đánh tựa như guitar Hawaii) và một thiết bị đặt ở dưới chân mà mình chẳng biết gọi là gì đảm nhiệm vai trò của bộ trống. Nghệ sĩ trên sân khấu vẫn chỉ là một người duy nhất. Âm thanh đem lại là thứ âm thanh ấm áp, mơ màng như một bộ phim.

Nhạc thì hay mà trời cứ lạnh thêm và mưa mỗi lúc một to. Bạn tình nguyện viên hết ca trực trở thành khán giả đứng cạnh mình, cũng như nhiều bạn trẻ khác, chạy ù đi mua áo mưa. Lúc sau quay lại thở phào “Yên tâm quẩy rồi!”. Mình thì đã đến giờ về. Ra đến bãi để xe vẫn cố vểnh tai lên nghe nốt tiếng trống bừng bừng của Catfish bắt đầu dội ra ngoài.