Monsoon Music Festival 2015 (P2)


Ngày 3: Joss Stone

Đây là ngày phải đấu tranh hết sức gian khổ giữa ở nhà đắp chăn xem TV với ra ngoài đội mưa xem Monsoon. Sau buổi chiều tạnh ráo, trời lại đổ mưa, và gió, và lạnh. Thà rằng đang đứng trên sân mà trời đổ mưa còn đỡ, đằng này…

Từ lúc trời mưa trở lại, fanpage của Monsoon luôn được mở sẵn để chờ xem có… thông báo hoãn/hủy nào không. Nhưng hoãn/hủy đâu chẳng thấy, chỉ thấy những hình ảnh xung trận đầy khí thế của Great Mountain Fire. Kết quả cuối cùng là miệng thì “Thôi, không đi nữa!” nhưng tay lại tự động với áo khoác và chân tự động xỏ vào giày. Với kinh nghiệm “trận mạc” từ tối hôm trước, chỉ cần mặc đủ ấm, có áo mưa và đủ… can đảm ra khỏi nhà là có thể yên tâm chinh chiến. Khi vào đến sân, tất cả mọi người đều đang trùm áo mưa đứng nghe nhạc.

PAK Band đang hát những bài cuối cùng trong set diễn. Ngay sau đó là set nhạc điện tử của Matt Robertson. Nhạc không khó nghe nhưng Matt Robertson thuộc nhóm nghệ sĩ mà khán giả buộc phải biết về một phần công việc và sản phẩm của họ thì mới có thể thực sự thỏa lòng với buổi nghe. Mình thì chưa biết gì cả nhưng sẽ nhớ cái tên này để lúc nào đó sẽ tìm hiểu thêm (bạn nào thích Bjork thì có thể đã biết đến cái tên này rồi).

Lại một lần nữa nhắc đến Carpark North bởi nhân vật mình sắp đề cập đã phá vỡ kỷ lục thời gian chờ setup sân khấu của ban nhạc này. Khán giả phải chờ đợi rất lâu trong khi nhân viên hậu đài (bao gồm cả MC Quốc Trung đáng kính) ngược ngược xuôi xuôi trên sân khấu hết bê loa lại đến trải thảm. Mà tận hai lớp thảm, một lớp thảm sàn rồi mới đến ba chiếc thảm còn lại. Một số khán giả đã hết kiên nhẫn bắt đầu “VIP thế!”, “Superstar à?”. Nhưng trên sân khấu, mọi người vẫn ngược ngược xuôi xuôi. Công việc chuẩn bị chỉ thật sự kết thúc khi chiếc chân micro buộc một chiếc khăn dài được đặt vào vị trí.

Joss Stone xuất hiện. Chẳng ai còn nhớ đã phải chờ đợi trong bao lâu, lập tức bị cuốn hút bởi âm nhạc của cô gái tóc vàng, đi chân trần, tươi tắn rạng rỡ, rất chịu khó “Xin cháo!”, “Cam on” và không ngại để nguyên chân trần ào xuống sân với khán giả trong khi trời chỉ vừa ngớt mưa.

Hôm sau bạn hỏi Joss Stone hát gì, mình bảo “Giống Adele!”. Đấy là một câu trả lời tắt, hướng đến điểm chung là những giọng ca da trắng hát nhạc soul. Đầy đủ hơn, mình thích sự sống động trong âm nhạc của Joss Stone. Thích chất giọng khan khan tưởng chỉ hát được đến thế thôi nhưng ngay lập tức lại có thể bùng lên mạnh mẽ đến khó tin. Thích phong cách biểu diễn vừa hồn nhiên vừa kiểu cách, vừa thân thiện vừa rụt rè. Thích luôn cả những khán giả nước ngoài mà chỉ cần nhìn vào ánh mắt, điệu nhảy say sưa là đủ biết họ đã rất mong chờ buổi biểu diễn này của Joss Stone tại Hà Nội.

Mải nghe nhạc quên cả xem giờ. Khi Joss Stone và ban nhạc rời khỏi sân khấu, cũng hú hét “One more song!”, “One more song!” như ai dù trong lòng lo ngay ngáy, chỉ sợ khán giả bỏ về giữa chừng. Đến khi Joss Stone và ban nhạc trở lại, tưng bừng hơn, rộn ràng hơn thì đứng im thin thít mà ngắm mọi người xung quanh say sưa nhún nhảy và ào ào bám rào để nhận những bông hoa hướng dương từ cô gái tóc vàng dễ mến. Tiếc đứt ruột vì trời mưa, không mang máy ảnh theo nên không chụp được tấm nào trong khi Joss Stone quá đẹp để chụp.

Set diễn kết thúc lúc 0h30. Nghệt hết cả mặt vì không nghĩ lại muộn đến thế. Vội vã ra lấy xe, sau lưng là tiếng nói cười, tiếng hát vang theo nhạc đang phát trên loa. Về đến nhà thì đã 1h sáng. Trời lại bắt đầu mưa.

Ngày 4: BOND

Ngày biểu diễn cuối cùng. Thời tiết tốt. Lại có đến hai cái tên được rất nhiều người biết đến và mong chờ là Lê Cát Trọng Lý và BOND nên khán giả trên sân đông hơn hẳn những hôm trước.

Chỉ vì một chút lề mề mà lỡ mất phần mở màn của From The Airport và chỉ kịp bắt đầu với phần biểu diễn của Lê Cát Trọng Lý. Lý vẫn như thường lệ. Bé nhỏ. Nhẹ nhàng. Dễ thương. Lúc nào cũng lo khán giả mệt và khuyến khích khán giả ngủ nếu thấy buồn ngủ. Lần này Lý biểu diễn cùng các nghệ sĩ đàn dây, flute, piano với dự án mới Những kẻ mộng mơ. Không khí náo nhiệt xung quanh và sự rụt rè của Lý đôi khi làm mình bị sao nhãng, nhưng vẫn không khỏi bất ngờ và thích thú với màn hòa ca Đưa cơm cho mẹ đi cày của Lý và khán giả trên sân, câu chuyện sắc đẹp của chàng trai và hồ nước, Em đứng trên đống cành”, và dĩ nhiên không thể không nhắc tới bài kết hết sức quen thuộc – Chênh vênh.

Đối lập với sự nhỏ nhẹ của Lê Cát Trọng Lý là Samsaya – cô gái Na Uy gốc Ấn. Hình ảnh giới thiệu là một cô gái Á Đông tóc đen buông dài, mắt trái được tô điểm một trái tim màu hồng ấm áp – hẳn là sẽ hát thứ gì đó dịu nhẹ. Vậy mà khi xuất hiện trên sân khấu, cô ấy chẳng khác gì… Phạm Anh Khoa! Ăn mặc khỏe khoắn, tóc búi củ hành và “tăng động” từ đầu đến cuối set diễn. Âm nhạc tươi tắn, rộn ràng, phảng phất bollywood, đan xen nhạc điện tử và không lúc nào thiếu vắng tiếng trống. Mình vẫn thích nghe lại Samsaya bởi cái cảm giác như bị lạc đường ở một xứ lạ và rẽ vào bất cứ con ngõ nào cũng bắt gặp những hình ảnh vui tươi tấp nập, rực rỡ sắc màu.

Vẫn còn ngất ngây với Joss Stone từ tối hôm trước nên khi BOND xuất hiện, mình có phần hờ hững và luôn thường trực suy nghĩ “chẳng bằng hôm qua”. Tuy nhiên, với những nghệ sĩ nổi tiếng tầm cỡ như BOND thì khả năng lôi cuốn, hấp dẫn khán giả khi họ đứng trên sân khấu đã được xếp vào hạng thượng thừa. Biểu diễn nhạc sôi động, không có vũ đạo nhưng họ cũng chẳng đứng yên một chỗ đánh hết bài này đến bài khác mà thường xuyên di chuyển, tạo dáng, thay đổi vị trí rất đẹp mắt khiến khán giả luôn phải dõi theo và máy ảnh đưa lên liên tục. Không hát nhưng trên sân khấu vẫn bố trí micro để các thành viên thay nhau giao lưu với khán giả (theo thứ tự và kịch bản chặt chẽ). Không giới thiệu lời nào và bất ngờ làm khán giả ồ lên khi nhận ra bản Quốc ca trong tiếng violin réo rắt. Không chỉ tập trung vào những bản hit của riêng mình mà còn tạo sự công phá với loạt hit của Lady Gaga khiến cho không còn khán giả nào trên sân có thể đứng yên và thờ ơ được nữa! Chưa kể, dù nét mặt không còn thanh thoát như những năm về trước nhưng vóc dáng của cả bốn thành viên vẫn cực kỳ “ton sur ton” với những cây đàn có thể gọi là có thiết kế đẹp nhất trong các nhạc cụ điện tử (đừng tin nếu đọc được câu trả lời phỏng vấn là họ không quan tâm lắm đến việc giữ gìn vóc dáng!).

Kết thúc phần trình diễn của BOND là màn tặng hoa của nhà tài trợ. Dù rất ngắn thôi nhưng mình không thích tiết mục này vì nó làm cho Monsoon đang vui bỗng chốc có không khí rất “kính thưa các vị đại biểu”. Ấy vậy mà vẫn phải phì cười với mấy bạn trẻ đứng phía trước, đang nhiệt tình hô tên ban nhạc lập tức quay phắt sang hô tên nhà tài trợ. Đúng là tuổi trẻ, lúc nào cũng vui vẻ, hài hước và dễ thích nghi!

Dù vẫn còn set cuối của DJ Demon Slayer nhưng cũng đã 23h30, hôm sau lại là ngày đầu tuần nên mình đành ra về, mang theo chút áy náy và ấm ứ khi MC Quốc Trung cứ thủng thẳng trên loa “Ai đi về bây giờ người đấy là người già!”.

Tiếng là điểm danh đủ bốn ngày với Monsoon, nhưng thực tế mình mới chỉ xem được phân nửa số set diễn của năm nay. Dù sao vẫn thấy mình may mắn vì vẫn có thời gian và điều kiện để đến với Monsoon nhiều nhất có thể. Bốn ngày liên tiếp không phải là ngắn và cũng đòi hỏi sự phân bổ thời gian, sức khỏe hợp lý mới có thể “đeo bám” được. Bạn cứ thử mà xem!

Tổng kết lại, Monsoon có gì mà năm ngoái đi xem rồi, năm nay lại đi xem nữa?

Thứ nhất, giá vé quá hợp lý cho chất lượng, quy mô tổ chức và danh sách nghệ sĩ tham gia. Hơn nữa, từ năm nay đã có thêm phần biểu diễn của các nghệ sĩ khách mời đặc biệt với thời lượng tương đương một full show thông thường. Đây là cách tiếp cận những tên tuổi tầm cỡ thế giới một cách rất kinh tế vì chắc chắn để xem được một full show của họ, mình sẽ phải đắn đo không ít về giá vé, chưa kể chi phí đi lại.

Thứ hai, mình dốt nhạc quốc tế nên mượn Monsoon để mở mang đầu óc. Với những cái tên thường xuyên xuất hiện trên các bảng xếp hạng thì còn dễ theo dõi và cập nhật. Tuy nhiên, Monsoon lại có những tiêu chí lựa chọn riêng để giới thiệu đến khán giả những dự án âm nhạc mới nhất với nhiều màu sắc, cá tính, xuất xứ khác nhau mà nếu chỉ nghe theo thói quen, chắc chẳng bao giờ mình biết đến họ. Mong là Monsoon luôn giữ được chất như thế này để khán giả có thêm nhiều lựa chọn.

Thứ ba, Monsoon vẫn chưa… đông lắm. Nếu chỉ nhìn vào khu vực để xe thì sẽ phát ngại và muốn quay về nhà ngay, nhưng thực tế trong sân vẫn đủ chỗ cho gấp đôi lượng khán giả hiện tại và mọi người vẫn có nhiều không gian để đứng, ngồi, vừa nhâm nhi ăn uống vừa xem tùy thích. Chốt lại là mình vẫn chưa phải đầu tư vé VIP hoặc đến sớm hàng giờ đồng hồ để có được vị trí tốt. Mà điều này thì không biết còn “tận dụng” được trong bao lâu!

Tóm lại, với mình Monsoon xứng đáng để dành ra vài ngày trong năm. Ít nhất là được “đổi gió” mà không phải đi đâu xa. Còn nếu có được thêm nghệ sĩ yêu thích (như năm nay đã biết đến Joss Stone) thì còn gì bằng!

Monsoon Music Festival (MMF)
08.10-11.10.2015
Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)