Năm 2006, xem Sao Mai Điểm Hẹn đã hùng dũng phát biểu về Hà Anh Tuấn thế này:
Nghiệp dư, ngoại đạo… là những gì người ta thường nhắc đến Tuấn một cách thiếu thiện cảm, nhưng đấy cũng lại chính là điểm mạnh của Tuấn. Vì nghiệp dư, ngoại đạo mà Tuấn bị chê nhiều về giọng hát, cách chọn bài, khả năng xử lý do không được trang bị kỹ thuật thanh nhạc cơ bản; nhưng nhờ nghiệp dư, ngoại đạo mà Tuấn có được vẻ tự nhiên, gần gũi, phong cách biểu diễn và cách hát nhẹ nhàng, mộc mạc, giản dị. Có gout âm nhạc, có năng khiếu và sự thông minh để tiếp thu, học hỏi không chỉ kỹ thuật thanh nhạc mà cả từ những khen, chê của HĐNT, của khán giả, lại là người “dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận”, Hà Anh Tuấn không phải là không có cơ hội để thành công trên thị trường nhạc nhẹ Việt Nam. Chỉ có điều, ở độ tuổi của Tuấn (22 tuổi), đối với nghề hát, nếu thật sự muốn dấn thân, anh phải chọn được con đường đúng để theo đuổi ngay từ đầu và không có cơ hội để làm lại.
Thật may mắn, Tuấn đã chọn đúng đường. Để đến 2016, trong khi Sao Mai Điểm Hẹn đã lặng lẽ lỡ hẹn với khán giả truyền hình thì cậu thí sinh nghiệp dư, ngoại đạo ấy vẫn làm ca sĩ và đã tích lũy được lượng khán giả riêng cùng chung vui với những hoạt động kỷ niệm chặng đường 10 năm ca hát: 10 số SEE SING & SHARE trên YouTube đếm ngược đến hai đêm nhạc riêng tại Hà Nội (Nâu nóng) và Sài Gòn (Sữa đá).
Ê-kíp thực hiện Nâu nóng gồm toàn những cái tên sáng nhất tại thời điểm này, đủ để đảm bảo chất lượng cho đêm diễn: ban nhạc Hoài Sa (cầm trịch hầu hết các gameshow ca hát đình đám trên truyền hình, đủ sức ứng phó với bất cứ tình huống nào trên sân khấu), đạo diễn Cao Trung Hiếu (nhiếp ảnh gia kiêm biên tập âm nhạc kiêm đạo diễn sân khấu tuổi trẻ tài cao) và Việt Vision (chỉ cần nhắc đến Vietnam Concert, The Master of Symphony, Câu chuyện hòa bình, VTV New Year Concert… thì ai cũng biết).
Điều không ai ngờ tới là hơn 1000 vé Nâu nóng đã có chủ sở hữu chỉ sau 48 giờ đồng hồ mở bán, để lại tiếc nuối cho nhiều người vì những lý do cả khách quan lẫn chủ quan mà không thể giữ cho mình tấm vé đặc biệt này. Bốn mặt giấy khổ A4, ngoài chức năng ghi số ghế, tấm vé còn lưu lại đầy đủ thông tin những dấu mốc âm nhạc và câu chuyện café của Hà Anh Tuấn. Ngay khi cầm vé, cảm giác vừa lạ lẫm vừa thích thú khi lục tìm lời bài hát trong “tờ báo” đính kèm Café sáng – album đầu tay của Tuấn – được đánh thức.
Vậy có gì trong ly nâu nóng của Hà Anh Tuấn? Còn tùy thuộc vào việc bạn mong chờ gì ở cậu ấy!
Những quầy cà phê thơm nức ở tiền sảnh? Những giá CD được bày biện đẹp đẽ để tha hồ ngắm nghía, chọn lựa hoặc mua trọn bộ album của Hà Anh Tuấn? Những bản tình ca ngọt ngào? Hay những nhịp điệu phố chộn rộn, hối hả?
Bạn cứ mặc sức tưởng tượng đi vì Tuấn cũng có những mường tượng của riêng mình. Và cậu ấy, ngay từ những bước đi đầu tiên đã luôn là người chủ động.
Chẳng cà phê thơm nức. Cũng chẳng có chiếc đĩa nào được bày bán. Chỉ có những hồi chuông giục khán giả vào rạp đúng giờ. Cho đến khi ánh đèn biến mất, tiếng nhạc hiệu quen thuộc nổi lên, thì bao nhiêu kỷ niệm lập tức ùa về theo những âm thanh, hình ảnh vụt qua loang loáng trên màn hình của chiếc TV nhỏ đặt ở góc trái sân khấu. Tuấn bắt đầu chương trình bằng kỷ niệm mà bất cứ ai có mặt trong khán phòng đều nhớ và gắn bó, nhưng không chọn điểm lại 10 năm ca hát bằng những gạch đầu dòng sự kiện mà bằng cách chia sẻ với khán giả những nguồn cảm hứng âm nhạc tại nhiều thời điểm khác nhau đã làm nên Hà Anh Tuấn của ngày hôm nay.

Đó là Ba ngày hát – album theo phong cách acoustic được thực hiện từ trước Sao Mai Điểm Hẹn nhưng không bao giờ được phát hành, đã đẩy Tuấn sang một ngã rẽ khác với R&B. Đó là giọng ca thần tượng từ thủa học sinh, sinh viên, đã “ngốn” hết cả tiền dành dụm của Tuấn vào băng đĩa và những chương trình ca nhạc có tên cô ấy, để như cách nói của Tuấn là “được giàu có về tâm hồn”. Đó là những ca khúc vượt thế hệ khi Tuấn được nghe, biết đến và yêu thích từ bố mẹ để giờ có thể giới thiệu lại với những khán giả trẻ. Đó là những bản tình ca đẹp miên man và lãng mạn vô bờ của một nhạc sĩ đồng trang lứa, giúp Tuấn tự tin hơn để kết nối với khán giả của mình. Đó còn là những vấn đề thời sự khiến Tuấn tìm về với những ca khúc phản chiến và cất lên tiếng hát ngợi ca hòa bình.
Cậu ấy còn có trong đêm diễn ba khách mời đáng mến mà không biết vô tình hay hữu ý, lại đánh dấu cho ba giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp âm nhạc của Hà Anh Tuấn: khán giả – biểu diễn – sản xuất. Mỗi khách mời đều xuất hiện theo một cách đặc biệt.
Hồng Nhung bước ra từ khung cửa với những hình ảnh và ca khúc rất Hà Nội: Phố à phố ơi, Cửa sổ mùa đông, Ngẫu hứng sông Hồng. Giọng ca thần tượng từ thủa học sinh, sinh viên của Hà Anh Tuấn giờ đã đứng chung sân khấu với “sao mai điểm hẹn”, hát cùng và dành tặng chủ nhân những lời nói có cánh đầy dí dỏm.

Thu Phương sau này mới đồng hành cùng Hà Anh Tuấn, bắt đầu từ những show diễn chung tại hải ngoại. Đến cuối 2013, Mùa thu của Phương do Việt Vision (ê-kíp của Hà Anh Tuấn) sản xuất là liveshow đầu tiên của Thu Phương tại Việt Nam sau thời gian dài vắng bóng. Đặc sản của Thu Phương là nhạc Việt Anh, dĩ nhiên. Và thành công lớn nhất của Thu Phương trong Nâu nóng là đã hát hay hơn bản gốc và biến Thư cho em của Hồ Hoài Anh, từng được Hà Anh Tuấn thu cho album Saigon Radio, thành một tác phẩm Việt Anh toàn tập. Trên sân khấu là những tấm hình đen trắng lộng lẫy của một “em” Thu Phương đẹp như người mẫu.

Không chọn Yêu em hay Cơn mưa tình yêu, Hà Anh Tuấn đón Phương Linh ra sân khấu trong nhịp điệu “tung tẩy” của “Yêu lắm! Thương lắm! Xa lắm! Đau lắm!” mượn của Trúc Nhân – Thảo Nhi. Phương Linh là khách mời duy nhất có mặt trong cả Nâu nóng lẫn Sữa đá, đồng thời cũng là khách mời được mong chờ nhất bởi cô ấy đã sánh đôi cùng Hà Anh Tuấn từ những ngày đầu tiên, trên sân khấu Sao Mai Điểm Hẹn. Nhưng “ngày hát đôi” cũng chẳng được ưu ái hơn hai khách mời còn lại, chằn chặn đúng ba bài. Được cái, toàn bài có ý nghĩa đủ để làm nức lòng khán giả. Ngoài Bốn chữ lắm lần đầu thể hiện là Thiên đường gọi tên và Cơn gió lạ. Phương Linh cũng phải mất kha khá thời gian để giải thích rõ Cơn gió lạ không phải dành cho Hà Anh Tuấn như mọi người vẫn “gán ghép”. Nhưng có vẻ cũng chẳng ăn thua! Bởi dù cho họ có buông tay, đính chính hay kể tội nhau bao nhiêu lần trên sân khấu thì vẫn có hai điều không thể phủ nhận: Thứ nhất, Nâu nóng là của Hà Anh Tuấn nhưng sân khấu này một nửa thuộc về Phương Linh. Thứ hai, lúc nào hát với Linh cũng thấy Tuấn hồn nhiên, nhẹ nhõm và rất hay cười.

Khán giả của Tuấn thì dễ thương vô bờ bến. Cổ vũ cho khách mời cuồng nhiệt hơn cả chính chủ. Hát ngon lành Chưa bao giờ của Thu Phương và nhận ra Cơn gió lạ của Phương Linh chỉ qua vài nốt nhạc dạo.
Nâu nóng dịu dàng acoustic và đậm đà ballad. Khán giả được lắng lại để thấy một Hà Anh Tuấn nhẹ nhàng, tươi tắn của Dấu phố em qua, Khúc hát chim trời, Vài lần đón đưa… cho đến một Hà Anh Tuấn trưởng thành, đĩnh đạc với các sáng tác của Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Việt Anh nhưng cũng không kém phần da diết, thiết tha với những tác phẩm của Phạm Toàn Thắng vừa liên tiếp đốn tim khán giả trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, Nâu nóng cũng thiếu vắng đến bứt rứt cái không khí nhộn nhịp với âm nhạc bắt tai và nhiều tiết tấu của Café sáng, Saigon Radio, Cock-tail hay Streets Rhythm. Có bất công quá không khi đây toàn là những album làm nên dấu hiệu nhận biết và con đường riêng đáng tự hào của 10 năm ca hát? Hơn thế nữa, đã trót xem Tuấn hát live Vòng xoay ở một show khác, với sự kết hợp của tay trống Rhani Krija và tiếng kèn trumpet của nghệ sĩ Trung Đông, tái hiện cả một không gian quay cuồng, ngột ngạt của cuộc sống hiện đại ngay trên sân khấu, nên cứ mặc nhiên chờ những âm thanh ấy chiếm lĩnh không gian. Ấy vậy mà đến tận cuối chương trình, cũng chỉ có Buổi sáng ở Ciao Café – Espresso bừng lên như một khúc nhạc hiệu, theo đúng kiểu “biết rồi nên không cần phải nói thêm nữa”, rồi nhường chỗ cho bản ballad của ballad Tháng tư là lời nói dối của em khép lại chương trình với ít nhiều luyến tiếc (vì thời gian trôi nhanh quá) và hụt hẫng (vì vẫn thèm “phố”).

Cũng may, khán giả chẳng hề dễ bảo. Từ năn nỉ mè nheo cho đến ép buộc, rốt cuộc cũng đẩy được gã nghệ sĩ trầm tĩnh và tỉnh táo ấy “lên nóc nhà”, buộc “Ôi chưa bao giờ ta (anh) quên được nhau (em)” vang lên lần nữa và còn bonus thêm Tìm lại, Mười hai giờ ruỳnh ruỳnh đến gần nửa đêm. Chỉ đến khi gã dụ dỗ thôi hát để chuyển sang chụp ảnh khán giả mới chịu buông tha.
Ngoài âm nhạc, có một điểm cần ghi nhận ở Tuấn, như giám khảo Mỹ Linh đã từng nhận xét từ khi cậu ấy còn thi Sao Mai Điểm Hẹn, đó là Tuấn biết “nói chuyện” với khán giả. Điều này càng thể hiện rõ khi cậu ấy được đứng một mình một sân. Không chỉ giữ được khán giả chăm chú nghe mình hát những bài mình chọn, cậu ấy còn có thể khiến họ im phăng phắc hoặc cười nghiêng ngả khi chuyện trò. Không để âm nhạc một mình lên tiếng nhưng cũng tuyệt nhiên không để chuyện trò làm gián đoạn cảm xúc của khán giả. Tuấn giữ nhịp cho chương trình từ đầu đến cuối không chút khó khăn, kể cả khi đã bị khán giả “xử ép”.
Biết kết luận thế nào về đêm diễn này nhỉ? Hà Anh Tuấn đầy tự tin và kiêu hãnh, không màng đến trường tưởng tượng của khán giả mà chỉ làm show theo ý mình? Hay, Hà Anh Tuấn yêu chiều khán giả hết mực, không “nói” nhiều về những gì đã biết, đã quen, bù lại, khán giả được thưởng thức một đêm nhạc không thể ngồi nhà cũng đoán được?
Sao cũng được! Suy cho cùng, nâu nóng là để hít hà mùi thơm, nhâm nhi vị ngọt. Có muốn cũng chẳng uống nhiều, uống vội được.
Café in concert. Một tối mùa đông. Những người lạ chạm nhau bằng nụ cười.
Café-in-Concert (Nâu nóng)Hà Anh Tuấn
17.12.2016
Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội)