Diễn ra trong ba ngày thì một ngày mưa toàn tập, một ngày mưa cho vui và một ngày không mưa giọt nào.
Ngày mưa toàn tập mình đến muộn. Năm nay Monsoon không có timeline nên cứ lấy 8h tối làm chuẩn, lại còn loanh quanh chọn chỗ gửi xe nên lỡ mất Adoy (Hàn Quốc) và Mariyah (Đan Mạch), chỉ xem được Vũ (Việt Nam) và Kodaline (Ireland). Vũ mới nghe loáng thoáng khi góp giọng trong một bài có tên rất kỳ cục của Đen là Anh đếch cần gì nhiều ngoài em. Nghe trước playlist của Monsoon thì không thích lắm vì nhạc của Vũ nghe hơi buồn. Được cái khi live thì đỡ buồn hơn vì có nhiều người cùng hát và Vũ chơi cùng ban nhạc Skylines Beyond Our Reach, thỉnh thoảng cũng có những phút sục sôi. Kodaline thì mình không biết tí gì dù họ là một trong hai cái tên nổi bật trong bảng lineup 2019. Nhưng không biết là việc của mình chứ họ có rất nhiều fan ở Monsoon, những người đến đây chỉ để chờ đón sự xuất hiện của họ, ríu rít chụp hình và hát theo mê mải. Mưa chỉ làm cho khung cảnh thêm đẹp.

Thật ra ngày đầu mình xem cũng không được tập trung cho lắm. Lý do là vì cách đây không lâu mới đọc bài phỏng vấn bác CEO của Sabeco, ngưỡng mộ bác ấy quá (trăm công nghìn việc mà vẫn cân bằng được cuộc sống, tập luyện đều đặn và vẫn có thời gian dành cho sở thích cá nhân bên ngoài công việc) nên cứ loanh quanh ở khu 333. Hết ngắm quầy 360 có phần thiết kế mô phỏng bọt bia ngộ nghĩnh, lại tò mò chui vào khu nhà dài để thử bia, xem quảng cáo và trú mưa. Ra ngoài còn đứng xem mấy bạn mặc áo mưa nhảy múa tạo dáng các kiểu trước màn hình LED tương tác khá là vui. Mãi mới vào lại khu fan zone xem tiếp.

Ngày mưa cho vui có hẹn bạn nên đến sớm hơn và xem được trọn vẹn 5 set, bắt đầu từ 7h kém. Có Lightcraft bay bổng, nhẹ nhàng đến từ Indonesia. Có nhạc sĩ Xinh Xô từ Mỹ về, chơi nguyên một set nhạc điện tử, không lời, không liên quan đến Giấc mơ lạ hay Nước sâu mình từng biết. Vừa nghe vừa lo nhỡ có cái đĩa bay nào lừ lừ xuất hiện. Lu.Tre.Chau vừa lạ vừa quen. Lạ vì ban nhạc chỉ mới thành lập trước thềm Monsoon 2019, quen vì chỉ cần nhắc tên các thành viên là nhiều người nhận ra ngay: Quốc Trung (người mà ai cũng biết là ai), Thái Châu (KOP band), Yvol Ênuôi (biết Kasim Hoàng Vũ thì chắc cũng biết anh này), Trương Nam Phong (i-Tễu). Vì quen nên mình rất chủ quan nghĩ rằng có thể vừa ngồi bệt ăn lót dạ vừa nghe nhạc cũng được vì trước đó đã đứng liền 3 set. Phản ứng nhận lại là tất cả mọi người xung quanh đều đứng dậy khi ban nhạc xuất hiện, em gái vừa ngồi ké chiếc áo mưa thì bảo “em đến chỉ vì ban nhạc này”. Thế là thôi, đứng lên luôn chứ còn gì nữa. Họ chơi electro rock một cách rất đằm và lạnh. Mấy bài đầu nghe cũng “rùng rợn” ra phết. Đoạn sau thì hát lại một số bài của KOP band và mọi người bắt đầu hòa giọng. Mình cũng ké Em về giữa mênh mông đất trời nhưng vẫn thích mấy bài đầu hơn.

Hai set mình thích nhất trong ngày thứ hai là của Phum Viphurit và Totemo. Phum Viphurit đến từ Thái Lan với một gương mặt bơ sữa và một giọng hát khan khan, trầm tĩnh chẳng liên quan gì đến gương mặt. Mình thích xem Phum Viphurit biểu diễn hơn là chỉ nghe nhạc. Khác với dự đoán ban đầu, sự xuất hiện của cậu ấy bao trùm lên Monsoon một bầu không khí rất vui vẻ, hài hước, ai cũng cười ngoác miệng từ đầu đến cuối. Các bạn trẻ không hiểu biết Phum Viphurit từ bao giờ mà hát theo ầm ầm. Cuối set còn có màn hoán đổi vai trò giữa các thành viên trong ban nhạc vô cùng ngoạn mục khiến khán giả la hét điên cuồng. Totemo biểu diễn cuối cùng. Cô ấy là ca sĩ chính, tự chơi guitar và keyboard. Ban nhạc chỉ có thêm một guitar bass và một trống. Tương tự Garden City Movement của năm 2017, cũng đến từ Israel, nhạc của Totemo mang nhiều âm sắc điện tử pha trộn khéo léo với âm sắc dân gian, rất hiện đại và cũng rất đặc trưng. Mình còn thích cả phong thái của Totemo trên sân khấu, tĩnh mà vẫn cuốn hút. Đây cũng là set nhạc có phần âm thanh sướng tai nhất của Monsoon năm nay, nổi rõ và nét căng.

Ngày không mưa lượng khán giả tăng đột biến. Mà kể cả có mưa thì cũng vẫn đông thôi vì có đến 3 trên 4 cái tên được quá nhiều người yêu thích: Vinh Khuất, Tiên Tiên và Hyukoh.
Cái thói lề mề làm mình bị lỡ mất một phần biểu diễn của Vinh Khuất. Vinh Khuất là người gốc Việt, sống ở Đức. Mới biết cậu ấy loáng thoáng qua chương trình mừng năm mới của VTV. Hát, sáng tác, chơi nhiều loại nhạc cụ, có thể biểu diễn như một one man band. Không biết phần đầu có chơi one man band hay live looping không, chứ lúc mình đến thì trên sân khấu là cả một ban nhạc hoành tráng hậu thuẫn cho Vinh, có cả nhóm bè và nhạc cụ dân tộc. Vinh chơi keyboard, rất chịu khó hát và nói tiếng Việt dù như Vinh tự nhận là vẫn còn ngô nghê nhưng đơn giản, dễ hát theo. Khán giả thì khó có thể đứng yên với phong cách âm nhạc sôi nổi và đầy tràn năng lượng của cậu ấy.
Tiếp theo là set nhạc hạ nhiệt của Robert Rich (Mỹ). Nhạc điện tử. Giàu tính không gian. Chậm và tĩnh. Không tập trung sẽ dễ bỏ qua. Lúc xem, mình vẫn chăm chăm vào màn hình nhiều hơn vì tò mò về thiết bị và thao tác của người biểu diễn. Về nghe lại trong playlist giới thiệu của Monsoon thì có cảm giác đầu óc như vừa được quét dọn vậy. Ngộ lắm! Để khi nào thử lại.

Tiên Tiên là một bất ngờ không mong chờ ở Monsoon năm nay. Cũng biết mấy bài nổi nổi như Say you do, My everything, Vì tôi còn sống. Cũng mới nghe và mới thích album Chill with me khi mọi thứ được kéo chậm lại và hát khác đi. Nhưng không biết là Tiên Tiên diễn live hay như thế. Độ hoành tráng của ban nhạc chắc chỉ xếp sau Vinh Khuất. Sự tự tin, điềm tĩnh, chút hài hước khiến Tiên Tiên có thể kết nối tốt với khán giả nhưng không bị bốc theo mà vẫn thể hiện được đúng chất chill. Giọng hát thì trong trẻo, dễ nghe hơn chứ không nhựa nhựa, nghẹt nghẹt như trong các bản thu. Phong cách tươi tắn, dễ thương, không lạnh lạnh như trong MV. Đôi chỗ đang hát còn ngẫu hứng chèn lời nhắc đến Monsoon hay Trang rất vui và thú vị. Trang (Nhạc của Trang) góp mặt với một diện mạo mới mẻ, cá tính. Không giao bài cho Tiên Tiên mà hai người hát chung. Mình thích giai điệu hay hay, lạ lạ trong các sáng tác của Trang. Cho đến giờ âm thanh của Đâu cần một bài ca tình yêu vẫn láng váng trong đầu.

Hyukoh là ban nhạc rock indie đến từ Hàn Quốc. Đã rock lại còn indie thì không nằm trong vùng phủ sóng của mình rồi. Trong lúc lượng người đổ vào khu fan zone ngày càng nhiều thì mình rút ra ngoài, cắm chốt sau hàng rào khu VIP, hơi xa một tí nhưng vẫn xem được và dễ thở hơn. Thời gian chuẩn bị sân khấu cho Hyukoh diễn ra lâu nhất, lâu hơn cả Kodaline. Lúc đầu mình xem không được tập trung vì nhạc nặng quá, nhưng càng xem càng bị cuốn hút. Chắc do quen tai hơn và Hyukoh cũng có mấy bài nhẹ nhàng, dễ nghe. Nhưng ấn tượng mạnh nhất là ở sự cộng hưởng của khán giả trong khu fan zone. Mình chưa từng chứng kiến. Nhịp tay. Hát theo. Gọi tên ban nhạc. Lượng người chắc cũng không đông hơn Bond (2015) hay Scorpions (2016) nhưng không bị chia thành các nhóm nhỏ mà rất đồng sức đồng lòng nên tạo được hiệu ứng rất lớn và đem đến những khoảnh khắc đáng nhớ nhất cho Monsoon năm nay. Chưa kể set cuối cùng của Monsoon 2019 còn có màn trình diễn ánh sáng siêu khủng. Phần hiệu ứng ánh sáng được nâng cấp so với các năm trước nhưng phải tới lúc này mới thực sự bung hết công suất.

Ba ngày diễn ra Monsoon Music Festival trôi qua thật nhanh. Sau một năm gián đoạn, Monsoon trở lại trẻ trung hơn, năng động hơn, tiện ích hơn. Monsoon cũng không còn là một festival dành cho tất cả mọi người nữa mà đã có giới hạn về độ tuổi của khán giả, không giấu giếm việc ưu tiên mời những nghệ sĩ indie hay nghệ sĩ mới tài năng để có sự cân đối chi phí hợp lý hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và sự độc đáo. Mình thấy đây là hướng đi phù hợp và có tính định hướng lâu dài của Monsoon tuy quy mô và phạm vi có thể hẹp hơn trước. Nhưng nói thế không có nghĩa là Monsoon không mời ngôi sao đâu nhé! Dominic Miller (2014), Matt Robertson (2015), Chris Minh Doky (2017), Robert Rich (2019) đều là những nghệ sĩ tài danh tầm cỡ thế giới, chỉ là ít quen thuộc với khán giả phổ thông thôi.
Năm nay, Monsoon cũng bắt đầu chú trọng đến việc xây dựng cộng đồng khán giả riêng. Từ trước khi diễn ra 6 tháng, những email đầu tiên đã gửi thông tin sớm đến khán giả từng xem Monsoon các năm trước. Trong thời gian quảng bá và diễn ra festival, slogan By you for you luôn được nhấn mạnh và đề cao. Việc Kodaline, Phum Viphurit, Hyukoh được khán giả mong chờ và ủng hộ nhiệt thành cũng cho thấy sự bắt sóng tốt trong khâu biên tập âm nhạc. Việc xây dựng cộng đồng khán giả riêng là cần thiết để Monsoon có thể ổn định và phát triển. Khi cộng đồng khán giả riêng đủ lớn và gắn bó đến một mức độ nào đó, Monsoon hoàn toàn có thể sống tốt trong chính môi trường do mình tạo ra. Chẳng cần nhìn đâu xa, cứ nhìn vào cách thức và hiệu quả hoạt động của Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Lê Cát Trọng Lý là thấy.
Tạm biệt Monsoon 2019! Ra về khi vừa mới mắt tròn mắt dẹt nhận ra một loạt ghế sofa phao các màu trên sân cỏ lại bị cuốn theo tiếng hò reo từ ngoài cổng vọng vào. Hóa ra các bạn tình nguyện viên toàn trai xinh gái đẹp đã sắp thành hai hàng, tươi như hoa, cổ vũ, cảm ơn, tạm biệt mỗi khi có khán giả đi qua và hẹn gặp lại vào Monsoon năm sau. Thật bất ngờ và ấm áp! Cảm giác cứ như thể hôm sau đã là Monsoon 2020 rồi vậy.
Monsoon Music Festival (MMF)
01.11-03.11.2019
Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)